Mỹ ngừng nhập khẩu thịt bò tươi từ Brazil vì vấn đề vệ sinh

Ngày 22/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo ngừng nhập khẩu thịt bò tươi Brazil​ bởi lo ngại mặt hàng này không đảm bảo chất lượng vệ sinh.
Mỹ ngừng nhập khẩu thịt bò tươi từ Brazil vì vấn đề vệ sinh ảnh 1Thịt bò được bày bán tại một cửa hàng ở Sao Paulo, Brazil. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 22/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo ngừng nhập khẩu thịt bò tươi Brazil bởi lo ngại mặt hàng này không đảm bảo chất lượng vệ sinh, sau khi vụ bê bối thịt bẩn nước Nam Mỹ này bị phát giác vào tháng Ba vừa qua.

Thông báo của USDA cũng nêu rõ quyết định này sẽ có hiệu lực tới khi nào Bộ Nông nghiệp Brazil đưa ra những giải pháp cần thiết đáp ứng những yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm Mỹ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nhấn mạnh Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt bò số một thế giới, là bạn hàng thương mại quan trọng của nước này từ nhiều năm nay, song USDA có nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng Mỹ.

Quyết định của USDA được đưa ra sau khi các nhà chức trách nước này tiến hành kiểm tra 100% thịt có nguồn gốc từ Brazil kể từ tháng Ba tới nay.

[Brazil bác bỏ những cáo buộc của EU về kiểm định chất lượng thịt]

Trước đó, ngày 14/6, Ủy viên Y tế và Thực phẩm Liên minh châu Âu, Vytenis Andriukaitis, cũng tuyên bố có nghi vấn về hệ thống kiểm dịch thịt của Brazil và dọa sẽ ngừng nhập khẩu thịt của nước này bởi lo ngại chất lượng không đảm bảo.

Đại diện EU khẳng định đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong khâu giám sát và kiểm định chất lượng thịt của Brazil, sau khi kiểm tra quy trình giết mổ và đông lạnh thịt tại quốc gia Nam Mỹ này. Từ tháng Ba tới nay, 90 lô hàng thịt của Brazil đã bị ách lại các cảng của châu Âu.

Vụ bê bối “thịt bẩn” tại Brazil bị phát giác trung tuần tháng Ba khi cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm không đạt chất lượng.

Các nhà chức trách nước Nam Mỹ này đã mở cuộc điều tra trên diện rộng nhằm phanh phui các hoạt động phi pháp tại các cơ sở đóng gói mặt hàng này ở Brazil.

Tổng cộng hơn 20 cơ sở đóng gói thịt, trong đó có các tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất thế giới là JBS và BRF, bị phát hiện có hành vi "lót tay" cho các nhân viên kiểm dịch để họ “làm ngơ” và thay đổi hạn của các mặt hàng thực phẩm, các loại thịt bị bơm nước, cũng như các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.