Mỹ phản bác nhận định của IMF về triển vọng kinh tế trong năm 2020

Ông Rosen cho biết Mỹ có các nguồn lực dồi dào để đối phó với đại dịch, nhưng nhà chức trách chưa thể thống nhất được việc "sử dụng không gian tài chính sẵn có để phục hồi toàn diện kinh tế Mỹ."
Mỹ phản bác nhận định của IMF về triển vọng kinh tế trong năm 2020 ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện của Mỹ trong Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Mark Rosen ngày 10/8 cho rằng những đánh giá của tổ chức này về tình hình kinh tế Mỹ là "quá tiêu cực.”

Ông Rosen cho biết Chính phủ Mỹ có các nguồn lực dồi dào để đối phó với đại dịch, nhưng nhà chức trách nước này chưa thể thống nhất được việc "sử dụng không gian tài chính sẵn có để phục hồi toàn diện kinh tế Mỹ."

Theo ông Rosen, chính quyền Mỹ luôn tin rằng kinh tế nước này sẽ phục hồi nhanh chóng khi các bang mở cửa trở lại.

Trước đó, IMF cho rằng nước Mỹ cần một "gói tài chính bổ sung quy mô lớn" để ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trong một báo cáo sau khi kết thúc đánh giá hàng năm về kinh tế Mỹ, IMF nhấn mạnh trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng, tình hình suy thoái kinh tế trầm trọng và tỷ lệ thất nghiệp lên cao, Mỹ cần tăng cường các nỗ lực y tế cộng đồng trong khi tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ chính sách để hỗ trợ đà phục hồi, giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với kinh tế-xã hội của nước này.

[Fed khuyến nghị Mỹ triển khai thêm một gói cứu trợ ứng phó dịch]

IMF nhận định một gói tài chính bổ sung quy mô lớn là cần thiết để nước Mỹ tăng cường khả năng chuẩn bị cho các yêu cầu y tế cũng như thúc đẩy nhu cầu một cách hiệu quả.

Theo các quan chức IMF, một sự điều chỉnh tài khóa trung hạn cũng sẽ giúp nợ công của Mỹ giảm xuống sau khi đại dịch được kiềm chế hoàn toàn.

Các quan chức IMF cũng khuyến nghị giới chức Mỹ đảo ngược các quyết định hạn chế thương mại, đồng thời tích cực làm việc với các nước đối tác để giải quyết căng thẳng thương mại và hiện đại hóa hệ thống thương mại đa phương. Nếu không, điều này có nguy cơ gia tăng bất ổn về chính sách, dẫn tới tác động tiêu cực, phá hoại hệ thống thương mại đa phương và tiền tệ quốc tế.

Theo IMF, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ tăng từ khoảng tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tài khóa 2019 (kết thúc vào tháng 9/2020) lên 16% GDP vào năm tài chính 2020. Nợ liên bang dự kiến tăng lên 100% GDP vào cuối năm 2020.

IMF lưu ý rằng giai đoạn phục hồi của kinh tế Mỹ có thể sẽ diễn ra từ từ và chịu những rủi ro cùng bất ổn đáng kể. Định chế tài chính đa phương quốc tế này dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm khoảng 6,6% trong năm 2020, trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 3,9% trong năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.