Nhận thức được ý định của Trung Quốc nhằm từ từ lấp đầy khoảng trống quyền lực Mỹ để lại ở Mỹ Latinh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu phản công bằng các kế hoạch tài trợ cho việc di dời các công ty đa quốc gia tại khu vực vốn được xem là “sân sau” của Mỹ, cũng như tạo áp lực để loại Tập đoàn Huawei của Trung Quốc khỏi các dự án 5G.
Đó là nhận định do trang mạng politicaexterior.com đưa ra trong một bài phân tích mới đây, nội dung như sau:
Chuyến công du Ecuador và Colombia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi cuối tháng 10 vừa qua là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latin và Caribe, một trong những khu vực thể hiện rõ nét nhất cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường của thế giới.
Tại thủ đô Quito, Ngoại trưởng Blinken đã thăm và phát biểu tại Đại học San Francisco, nơi đặt trụ sở chính của Viện Khổng tử ở Ecuador. Tại đây, ông Blinken đã nói về dân chủ, tham nhũng, môi trường và di cư.
Tuy nhiên, trong cả chuyến thăm Ecuador lẫn Colombia, ông đều không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W). Đây là sáng kiến được G7 ủng hộ và đến năm 2022 sẽ công bố một số dự án, trong đó có các nhà máy xử lý nước thải và sản xuất vaccine.
Trên tờ The Miami Herald, nhà phân tích Andrés Oppenheimer đề xuất Tổng thống Biden cần tận dụng Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tổ chức tại Mỹ vào năm tới để khởi động kế hoạch “friend-shoring” - chuyển sản xuất sang các nước đồng minh để giảm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng - nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia di dời nhà máy về Mỹ Latin.
Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực
Bắc Kinh đang cố gắng lấp đầy những khoảng trống quyền lực mà Washington đã để lại - do không đủ năng lực, không quan tâm hoặc thờ ơ - ở khu vực mà Mỹ xem là “sân sau” kể từ năm 1823, khi James Monroe xây dựng học thuyết nổi tiếng mang tên ông để ngăn chặn các thế lực của Liên minh Thần thánh can thiệp hoặc tái thực dân hóa các vùng lãnh thổ ở châu Mỹ.
Giờ đây, bản chất “đế chế” đối thủ của Mỹ đã thay đổi. “Con rồng châu Á” đã "ngấu nghiến" một lượng lớn đồng, sắt, đậu tương, thịt và hàng chục loại nguyên liệu thô giá thành rẻ xuất xứ từ Mỹ Latinh.
Theo Inter-American Dialogue - tổ chức tư vấn về các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Mỹ - từ năm 2005, các ngân hàng công của Trung Quốc đã rót 137 tỷ USD vào các khoản tín dụng và đầu tư dành cho Mỹ Latin, nhiều hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latin cộng lại.
[LHQ: Mỹ Latinh là khu vực bất bình đẳng công nghệ nhất thế giới]
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Chile, Uruguay, Peru, và sắp tới là Argentina. Khác với những khoản đầu tư ban đầu vốn tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác, các dự án gần đây của Trung Quốc ở khu vực nhắm đến hạ tầng 5G, năng lượng tái tạo và truyền tải điện.
Từ năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm 11 quốc gia trong khu vực, gần bằng con số 12 chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong 8 năm, còn cựu Tổng thống Donald Trump chỉ thăm Argentina.
Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng nhất, Trung Quốc đã bán cho Mỹ Latinh 165 triệu liều vaccine Sinovac. Washington hào phóng hơn khi tặng 38 triệu liều vaccine cho các quốc gia láng giềng phía Nam, nhưng vaccine Trung Quốc đã đến sớm hơn, vào thời điểm cần kíp hơn.
Các lá bài của Mỹ
Washington từng dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với các nước sử dụng thiết bị Trung Quốc trong mạng viễn thông của họ. Năm 2019, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã giúp Ecuador trả nợ cho Trung Quốc, đổi lại quốc gia Nam Mỹ phải loại Huawei khỏi mạng viễn thông.
Nhưng cho đến nay, chỉ có Brazil gia nhập “Mạng lưới sạch” được Mỹ tạo ra chống lại Huawei, mạng lưới này hiện nay có khoảng 50 thành viên.
Ngay cả Colombia cũng không loại Huawei khỏi mạng 5G quốc gia; trong khi đó thiết bị của tập đoàn khổng lồ này cũng có mặt ở Chile, Peru và Mexico. Và mối tương quan chất lượng-giá cả của sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc không phải là lý do duy nhất.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Brazil, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, một cựu quan chức quân đội và đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tuyên bố rằng Mỹ đối xử với Mỹ Latinh như “sân sau” của mình, do đó Huawei có nghĩa vụ giúp khu vực này bảo vệ chủ quyền và thoát khỏi “cái bẫy” đó.
Năm 2019, trong một báo cáo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo về nguy cơ “một rạn nứt lớn” chia rẽ thế giới thành hai cực ảnh hưởng, mỗi cực có tiền tệ riêng, quy tắc thương mại và tài chính, không gian mạng và chiến lược địa chính trị và quân sự riêng rẽ chi phối.
Nếu các quốc gia Mỹ Latinh chọn đứng về các phe khác nhau, công nghệ của các nước này sẽ không còn tương thích. Cần lưu ý rằng Huawei sở hữu nhiều bằng sáng chế 5G hơn bất kỳ công ty viễn thông nào trên thế giới.
Để chặn đà tiến của Trung Quốc, Washington có thể tận dụng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WB và DFC để tài trợ việc di dời các công ty đa quốc gia có mong muốn đặt nhà máy ở gần Mỹ hơn, qua đó phá vỡ vòng tròn trao đổi nguyên liệu thô lấy thành phẩm chế tạo.
Vòng luẩn quẩn này vốn đe dọa phi công nghiệp hóa khu vực, chẳng hạn như ở Mexico, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang tàn phá ngành dệt may, da giày và đồ chơi.
Trong giai đoạn 1995-2015, tỷ lệ tham gia của Mỹ Latinh vào chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ tăng 0,1%, trong khi con số này ở phần còn lại của thế giới là 19%. Giá trị thị trường công nghệ của khu vực chỉ chiếm 3,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 30% của Trung Quốc và 14% của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Mexico là minh chứng cho việc chuyển đổi từ xuất khẩu dệt may sang phụ tùng ôtô và chất bán dẫn là khả thi. IDB ước tính mỗi năm khu vực có thể thu về thêm 70 tỷ USD nếu có thể thay thế 10% lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Điều này là khả thi với các linh kiện ôtô và thiết bị điện tử Mỹ Latin đã sản xuất sẵn. Tháng Bảy vừa qua, Volkswagen thông báo từ năm 2022 sẽ sản xuất xe điện ở Uruguay, từ đó xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực.
Có thể thấy, mặc dù chưa đạt được bước tiến hay kết quả cụ thể trong cuộc “phản công” Trung Quốc, Mỹ vẫn nắm trong tay nhiều quân cờ để khôi phục ảnh hưởng ở “sân sau” Mỹ Latinh, khu vực có vai trò địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với cường quốc số một thế giới./.