Mỹ quyết đảm bảo ổn định nguồn cung khoáng sản chiến lược và đất hiếm

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết nước này sẽ có "những hành động chưa từng có tiền lệ" để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản chiến lược và đất hiếm.
Mỹ quyết đảm bảo ổn định nguồn cung khoáng sản chiến lược và đất hiếm ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết nước này sẽ có "những hành động chưa từng có tiền lệ" để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản chiến lược và đất hiếm, đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực công nghệ và quân sự.

Trong một tuyên bố, ông Ross dẫn một báo cáo mới chỉ ra 35 loại khoáng sản có vai trò then chốt đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ, trong đó có urani, titan, và các thành phần đất hiếm cần thiết để sản xuất nhiều sản phẩm thiết yếu trong đó có điện thoại thông minh, máy tính, máy bay, và hệ thống định vị GPS.

Ông Ross cho rằng những khoáng sản này thường không được quan tâm đúng mức nhưng lại là những nguyên liệu quan trọng tạo nên đời sống hiện đại.

[Trung Quốc cân nhắc việc hạn chế bán đất hiếm cho Mỹ]

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh dựa trên những thông tin của báo cáo kể trên, Chính phủ Mỹ sẽ có hành động chưa từng có tiền lệ để đảm bảo nguồn cung những khoáng sản đóng vai trò quan trọng này không bị gián đoạn.

Các hành động được đề xuất trong báo cáo này bao gồm cải thiện nguồn cung khoáng sản chiến lược và đất hiếm thông qua hoạt động đầu tư và thương mại với các đồng minh, tạo điều kiện cho phép các hoạt động khai mỏ ở Mỹ, bao gồm cả những vùng đất thuộc sở hữu liên bang.

Báo cáo cũng liệt kê một kế hoạch cải thiện bản đồ và thu thập dữ liệu để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khai khoáng trong nước.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Washington gia tăng sức ép với Bắc Kinh khiến quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp lớn các loại khoáng sản quan trọng cho Mỹ.

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Washington ngày càng leo thang, Bắc Kinh có khả năng cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm như là một cách để trả đũa việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Hồi tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ và các cơ quan chính phủ tìm các nguồn cung khoáng sản quan trọng thay thế để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.