Mỹ quyết định đóng đường ống dẫn dầu Keystone do bị rò rỉ

Cơ quan chức năng đã phải tạm đóng đường ống dẫn dầu Keystone nối từ Canada sang Mỹ sau khi xảy ra rò rỉ dầu tại khu vực bang Nam Dakota, Mỹ.
Mỹ quyết định đóng đường ống dẫn dầu Keystone do bị rò rỉ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theatlantic.com)

Ngày 16/11, cơ quan chức năng đã phải tạm đóng đường ống dẫn dầu Keystone nối từ Canada sang Mỹ sau khi xảy ra rò rỉ dầu tại khu vực bang Nam Dakota, Mỹ.

Công ty TransCanada vận hành đường ống dẫn dầu trên cho biết khoảng 5.000 thùng dầu đã bị thất thoát trong vụ rò rỉ chưa rõ nguyên nhân này.

Công ty đang tiến hành điều tra vụ việc và huy động các nhóm cứu trợ khẩn cấp cũng như liên lạc với các nhà điều hành Mỹ để đánh giá tình hình.

Đường ống dẫn dầu Keystones chạy dài 4.324km từ tỉnh Alberta của Canada tới các điểm tiếp nhận dầu ở Cushing, Oklahoma và Patoka, Illinois của Mỹ.

Trước đó, hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "bật đèn xanh" cho phép TransCanada tiếp tục xây dựng đường ống dẫn dầu Keyston XL, dự án từng bị Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama bác bỏ.

[Dự án đường ống dẫn khí Keystone XL chờ đợi quyết định từ Nebraska]

Đường ống dẫn dầu này sẽ vận chuyển khoảng 830.000 thùng dầu thô/ngày từ tỉnh Alberta của Canada tới Nebraska, Mỹ - nơi Keyston XL gặp đường ống Keystone để từ đó vận chuyển dầu lan tỏa tới các nơi trên đất Mỹ.

Keystone XL, nếu được xây dựng sẽ cắt chéo qua Nam Dakota, sau khi chính quyền bang này chấp thuận việc lắp đặt đường ống.

Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD.

Tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo 2 giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.

Các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại dự án sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi đường ống chạy qua.

Trong khi đó, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi dự án Keystone XL là ưu tiên hàng đầu khi đảng này nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, cho rằng đây là dự án giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng sự độc lập về năng lượng của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.