Mỹ sẽ áp thuế trừng phạt với Liên minh châu Âu từ ngày 18/10

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lightizer cho biết Mỹ sẽ đánh thuế 10% với máy bay của EU và 25% với các mặt hàng khác, bao gồm một số hàng nông sản và công nghiệp.
Mỹ sẽ áp thuế trừng phạt với Liên minh châu Âu từ ngày 18/10 ảnh 1Phomát được bày bán tại một siêu thị ở Saintes, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP, các quan chức thương mại cấp cao cho biết, Mỹ sẽ áp đặt thuế trừng phạt đối với Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 18/10, sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 2/10 quyết định "bật đèn xanh" đánh thuế đáp trả đối với 7,5 tỷ USD hàng hóa.

Trong thông báo ngày 2/10 đưa ra ít giờ sau khi được WTO "bật đèn xanh" với phán quyết các nước châu Âu đã trợ cấp trái phép cho hãng sản xuất may báy Airbus, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lightizer cho biết Mỹ sẽ đánh thuế 10% với máy bay của EU và 25% với các mặt hàng khác, bao gồm một số hàng nông sản và công nghiệp.

Các quốc gia hỗ trợ Airbus như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh sẽ chịu tác động chính từ các biện pháp này. Thông báo nêu rõ Mỹ áp những mức thuế giới hạn dù WTO cho phép đánh thuế lên tới 100%, nhưng cũng đồng thời cảnh báo Washington có thể tăng thuế hoặc thay đổi mặt hàng bị đánh thuế bất kỳ lúc nào.

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ cũng hy vọng sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán với các quan chức Brussels để giải quyết vấn đề này theo hướng có lợi cho người lao động Mỹ.

Ông này cho rằng nhiều năm qua EU đã trợ cấp rất nhiều cho Airbus, làm tổn hại nghiêm trọng tới ngành hàng không vũ trụ của Mỹ cũng như những người lao động nước này.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi WTO quyết định cho phép Mỹ đánh thuế trừng phạt EU vì liên minh vi phạm luật khi trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus. Quyết định này được coi là phần thưởng trọng tài lớn nhất trong lịch sử WTO dành cho một bên tranh chấp và đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tranh chấp kéo dài suốt 15 năm giữa hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Quyết định này cũng được cho là sẽ làm gia tăng quan hệ thương mại vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và EU. Các nhà sản xuất của EU hiện đang phải đối mặt với các mức thuế mới của Mỹ về nhôm và thép, trong khi Tổng thống Donald Trump cũng đe dọa đánh thuế vào ôtô và phụ tùng xe hơi của EU.

Tổng thống Trump đã hoan nghênh quyết định trên và gọi đây là "chiến thắng lớn" dành cho Mỹ. Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng động thái của Mỹ áp đặt trừng phạt thương mại lên hàng hóa của EU sẽ "phản tác dụng" và có nguy cơ khiến cả hai bên đều thiệt hại.

Tuy nhiên, Brussels cũng thể hiện thiện chí sẵn sàng đàm phán để tìm ra cách dàn xếp công bằng, đồng thời khẳng định đã đưa ra một số đề xuất thuyết phục nhằm xây dựng một cơ chế trợ cấp sản xuất máy bay mới nhưng chưa nhận được phản hồi từ Mỹ. Một số quan chức Mỹ cho biết chưa nhận được bất kỳ đề nghị nghiêm túc nào của EU cho tới vài tuần gần đây khi khả năng WTO ra quyết định có lợi cho Mỹ đã rõ ràng.

Giới chuyên gia cảnh báo cùng với tranh cãi về thuế Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu được tháo gỡ sau hơn một năm qua, việc Mỹ được đánh thuế EU được dự báo sẽ dẫn tới những mức thuế trả đũa khác của EU, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với các doanh nghiệp và thị trường tài chính toàn cầu.

Ngày 1/10, ông Ville Skinnari - Bộ trưởng Thương mại Phần Lan - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), cho biết khối này sẵn sàng bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của mình nếu Mỹ áp các sắc thuế mới sau khi được sự cho phép của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến cuộc chiến giữa 2 tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.