Mỹ sẽ cạn kiệt ngân sách nếu Quốc hội không nâng trần nợ công

Trong một lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện, Bộ trưởng Yellen cảnh báo rằng nếu mức trần nợ công không được nâng lên, Chính phủ Mỹ sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình lần đầu tiên trong lịch sử.
Mỹ sẽ cạn kiệt ngân sách nếu Quốc hội không nâng trần nợ công ảnh 1Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 8/9 cảnh báo Chính phủ nước này sẽ hết tiền vào tháng 10/2021, trừ khi Quốc hội có hành động cụ thể để nâng trần nợ công.

Trong một lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bộ trưởng Yellen cảnh báo rằng nếu mức trần nợ công không được nâng lên, Chính phủ Mỹ sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình lần đầu tiên trong lịch sử.

Bức thư của bà Yellen cho hay dựa trên những thông tin gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ, kết quả có thể xảy ra nhất là các khoản tài trợ bằng tiền mặt và các biện pháp bất thường sẽ cạn kiệt trong tháng Mười.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã đình chỉ giới hạn nợ vào năm 2019, song lệnh này chỉ kéo dài hai năm và đã hết hiệu lực vào ngày 31/7.

[Bộ trưởng Tài chính Mỹ tiếp tục hối Quốc hội nâng mức trần nợ công]

Diễn biến đó đặt lại giới hạn nợ cho Chính phủ Mỹ ở mức 28.000 tỷ USD, buộc Bộ Tài chính phải thực hiện "các biện pháp bất thường" để tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của chính phủ mà không vi phạm giới hạn.

Nợ và thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19, sau khi Washington thông qua ba dự luật chi tiêu lớn nhằm giảm bớt thiệt hại do tác động kinh tế của dịch bệnh.

Quốc hội hiện đang xem xét kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD cũng như kế hoạch chi tiêu xã hội khổng lồ trị giá 3.500 tỷ USD do chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề xuất. Nếu được thông qua, cả hai gói trên đều sẽ đẩy chi tiêu công lên cao hơn nữa.

Việc nâng giới hạn nợ không làm tăng chi tiêu mà chỉ đơn giản là cho phép Bộ Tài chính tài trợ cho các dự án đã được Quốc hội thông qua. Nếu không có động thái nâng trần nợ công, Mỹ có thể đối mặt với một vụ vỡ nợ chưa từng có đối với các khoản thanh toán.

Tuy nhiên, việc nâng trần nợ đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ trong vài năm qua. Gần đây nhất, tình trạng bế tắc năm 2011 đã khiến Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P hạ bậc tín nhiệm của Mỹ khỏi mức xếp hạng vàng AAA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.