Mỹ tăng cường đàm phán với Liên minh châu Âu sau phán quyết của WTO

Theo Đại diện Thương mại Mỹ, phán quyết của WTO nhằm dọn đường cho EU áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 4 tỷ USD của Mỹ là "không có cơ sở hợp lệ."
Mỹ tăng cường đàm phán với Liên minh châu Âu sau phán quyết của WTO ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. (Nguồn: AP)

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 13/10 cho biết Washington sẽ tăng cường đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài liên quan đến chính sách trợ giá sản xuất máy bay, sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép EU được áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trị giá 4 tỷ USD để bồi thường cho các khoản trợ cấp cho Boeing của Washington.

Báo cáo của tổ trọng tài WTO cho biết mức phạt này "tương ứng với mức độ và bản chất của các tác động tiêu cực" do các khoản trợ cấp trái phép của Mỹ dành cho Boeing.

Quyết định trên được đưa ra một năm sau khi WTO cũng cho phép Washington trừng phạt Brussels 7,5 tỷ USD do các khoản trợ cấp cho hãng máy bay Airbus, trong khuôn khổ cuộc tranh chấp kéo dài 15 năm về trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus. Hai vụ kiện này tạo thành tranh chấp thương mại tập đoàn lớn nhất từ trước tới nay.

Hiện Washington đã hủy bỏ chính sách miễn thuế mà Boeing được hưởng, trong khi Airbus thông báo sẽ tăng mức hoàn trả tiền vay cho máy bay A350 cho Pháp và Tây Ban Nha nhằm giải quyết vấn đề. 

Tuy nhiên, chiến thắng của EU lần này được cho là có thể làm nghiêm trọng hơn căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương, khi chỉ còn gần 3 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

EU cho biết họ muốn một giải pháp thỏa thuận hơn, song sẽ áp thuế nếu không đạt được giải pháp này. EU đã lập một danh sách các sản phẩm của Mỹ có thể đánh thuế, gồm máy bay, rượu vang, rượu mạnh, vali, máy kéo, hải sản đông lạnh, và các sản phẩm từ hành khô đến anh đào. Thời điểm sớm nhất để EU thực hiện áp thuế là ngày 26/10 tới.

Trước tình hình trên, theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, ông Lighthizer khẳng định Mỹ quyết tâm tìm kiếm các giải pháp tranh chấp. Mỹ đang chờ phản hồi từ EU đối với một đề nghị gần đây của nước này và sẽ thúc đẩy đàm phán đang diễn ra với Brussels để khôi phục sự cạnh tranh công bằng, một sân chơi bình đẳng trong lĩnh vực sản xuất máy bay.

Cũng theo Đại diện Thương mại Mỹ, phán quyết của WTO nhằm dọn đường cho EU áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 4 tỷ USD của Mỹ là "không có cơ sở hợp lệ."

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, sau phán quyết của WTO, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị chấm dứt cuộc chiến thuế quan và tìm ra giải pháp hòa giải cho tranh chấp kéo dài 16 năm về trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay.

[Mỹ tuyên bố ngừng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của EU]

Phó Chủ tịch EC phụ trách kinh tế và thương mại Valdis Dombrovskis khẳng định EU sẽ ngay lập nối lại tiếp xúc với Mỹ theo cách tích cực và mang tính xây dựng để quyết định các bước tiếp theo. Ưu tiên mạnh mẽ của EU là giải quyết bằng thương lượng.

Ông Dombrovskis nói thêm rằng EU sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và phản ứng theo cách tương xứng. Sau khi được WTO cho phép, EU có thể áp đặt thuế trả đũa Washington từ ngày 27/10, một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho hãng máy bay Boeing và Airbus.

Tháng 10/2020, WTO đã ra phán quyết ủng hộ Mỹ liên quan đến vấn đề trợ cấp của EU với Airbus, Washington đã áp đặt mức thuế trừng phạt 25% đối với các sản phẩm của EU như rượu vang, pho mát và dầu ô liu. Mức thuế 10% đối với máy bay Airbus đã bị tăng lên 15% từ tháng 3 vừa qua.

Tranh chấp Airbus-Boeing là một trong những mặt trận của cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa các nhà sản xuất ôtô và các chính phủ EU về các biện pháp trừng phạt với các mức thuế mới để đáp trả sắc thuế về kỹ thuật số do EU đề xuất.

Các mức thuế mới đối với ngành hàng không được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sâu sắc mà ngành này đang phải đối mặt do sự gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, Boeing vẫn đang phục hồi sau ảnh hưởng của hai vụ tai nạn chết người của dòng máy bay 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng. 

Trong một tuyên bố, Boeing kêu gọi, thay vì leo thang tranh chấp với những đe dọa doanh nghiệp Mỹ và khách hàng châu Âu, Airbus và EU nên tập trung sức lực vào những nỗ lực thiện chí để giải quyết tranh chấp kéo dài này.

Trong khi đó, Airbus nhấn mạnh sự ủng hộ với một giải pháp thương lượng cho một "dàn xếp công bằng" và loại bỏ thuế quan cho cả hai bờ Đại Tây Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.