Mỹ thách thức tính pháp lý của "đường 9 đoạn"

Mỹ thách thức tính pháp lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã thách thức việc Bắc Kinh thể hiện các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên phần lớn Biển Đông.
Mỹ thách thức tính pháp lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ảnh 1Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, Mỹ kêu gọi Trung Quốc làm sáng tỏ và điều chỉnh lại các đòi hỏi chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đồng thời hối thúc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho một trong những điểm nóng có nguy cơ ngày càng lớn của châu Á này. 

Trong khi căng thẳng đang ở mức cao do Bắc Kinh áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm quần đảo mà Nhật Bản quản lý trên Biển Hoa Đông, thì người ta ngày càng quan ngại về một cuộc đọ sức mới trong cuộc tranh chấp riêng rẽ ở Biển Đông. 

Đề cập đến những tranh chấp này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã thách thức cái gọi là “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh thể hiện các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông. 

Ông Russel cho rằng các tuyên bố hàng hải theo luật pháp quốc tế cần dựa trên đặc điểm đất đai. 

Ông nói: “Bất cứ đòi hỏi nào của Trung Quốc đối với quyền hàng hải mà không dựa trên các đặc điểm đất đai được tuyên bố đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc có thể nêu bật sự tôn trọng luật pháp quốc tế của mình bằng việc làm sáng tỏ hoặc điều chỉnh lại đòi hỏi của họ cho phù hợp với luật biển quốc tế”.

Ông Russel đồng thời ủng hộ quyền của Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển của Liên hợp quốc như một phần của nỗ lực tìm kiếm giải pháp “hòa bình phi cưỡng bức”. 

Tuy nhiên, biện pháp này đã bị Trung Quốc bác bỏ trong năm ngoái. 

Theo ông Russel, việc Trung Quốc không làm sáng tỏ các đòi hỏi của họ ở Biển Đông đã tạo ra sự bất định trong khu vực và hạn chế triển vọng đạt được giải pháp đồng thuận hay các thỏa thuận phát triển chung công bằng.

Những bình luận của ông Russel thể hiện lập trường ngày càng quyết liệt của Mỹ ở Biển Đông. 

Năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton tuyên bố rằng tự do đi lại là một lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, tuyến vận chuyển hơn một nửa khối lượng hàng hóa thương mại của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.