Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 3/2022 ở mức kỷ lục, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu do lo ngại về tình trạng thiếu hụt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, làm tăng nguy cơ tăng trưởng kinh tế đình trệ trong quý 1/2022.
Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 17,8%, lên mức cao kỷ lục 125,3 tỷ USD. Việc thâm hụt thương mại tăng có thể do cả khối lượng và giá hàng hóa nhập khẩu tăng. Kim ngạch hàng nhập khẩu tăng 11,5%, lên 294,6 tỷ USD.
[Nước Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế vào năm 2023]
Nhập khẩu hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 15%, trong đó có các sản phẩm xăng dầu. Nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 13,6%, trong khi nhập khẩu xe có động cơ tăng 12%. Nhập khẩu thực phẩm và tư liệu sản xuất cũng tăng mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa tăng 7,2%, lên 169,3 tỷ USD, dẫn đầu là xuất khẩu hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp. Xuất khẩu xe có động cơ tăng 8,4%. Xuất khẩu thực phẩm, tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng cũng tăng.
Số liệu mới công bố khiến các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 1 vốn đã ở mức thấp. Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo sơ bộ về GDP quý 1 vào ngày 28/4.
Nhà kinh tế Daniel Silver của ngân hàng JPMorgan cho rằng tăng trưởng GDP quý 1 nhìn chung là thấp, nhưng chi tiêu tiêu dùng cá nhân tương đối khả quan.
Thương mại đã làm giảm tăng trưởng GDP quý thứ sáu liên tiếp, giai đoạn dài nhất kể từ đầu năm 2016.
Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 1 từ 1,5% xuống 1,3%. JPMorgan hạ từ 1,1% xuống 0,7%. IHS Markit đã hạ dự báo 0,7 điểm phần trăm, xuống âm 0,6%.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy dự trữ bán buôn và bán lẻ cũng tăng, hạn chế một phần tác động đến tăng trưởng GDP từ việc thâm hụt thương mại cao kỷ lục.
Dự trữ hàng hóa bán buôn tăng 2,3% trong tháng Ba, sau khi tăng 2,6% trong tháng Hai. Dự trữ hàng hóa bán lẻ tăng 2%, sau khi tăng 1,5% trong tháng Hai. Dự trữ xe có động cơ tăng 1,2%./.