Dù không đạt được bước đột phá và còn bất đồng khá lớn trong một số nội dung, song việc Mỹ và Trung Quốc đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề kinh tế và thương mại tại cuộc tham vấn song phương đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh được đánh giá là kết quả tích cực trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Quyết định thành lập một cơ chế làm việc nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ và cam kết giải quyết tranh cãi thương mại thông qua đối thoại là một tiến bộ lớn giữa hai nền kinh tế, nhưng cũng là một kết quả không nằm ngoài dự báo.
Trước đó, quyết định của Tổng thống Donald Trump cử phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cùng một số quan chức khác tới Trung Quốc để đối thoại về các vấn đề thương mại theo đề nghị của Bắc Kinh được xem là thiện chí tích cực, hé mở cánh cửa giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại.
Với quan điểm "rất nghiêm túc" trong việc tìm kiếm giải pháp chung, dựa trên tinh thần "công bằng và đôi bên cùng có lợi," người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định hai bên đã "có cơ hội rất tốt" để đạt được một thỏa thuận.
Kết quả tham vấn dù chưa cụ thể, nhưng việc các bên sẵn sàng tiếp tục đối thoại, cố gắng giải quyết những khác biệt, cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn đẩy sự việc đi quá xa. Điều này cũng đồng nghĩa đối thoại luôn được hai nước ưu tiên trong các tranh cãi thương mại.
Hiện bất đồng lớn nhất vẫn chủ yếu tập trung vào yêu cầu của Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ 200 tỷ USD vào năm 2020; đồng thời giảm thuế đối với tất cả các sản phẩm xuống mức không cao hơn mức Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cho rằng đề xuất này là không công bằng.
[Nông nghiệp Mỹ thiệt hại nặng do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung]
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thừa nhận rằng mối quan hệ kinh tế Trung Quốc-Mỹ về bản chất đều mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.
Một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm thay đổi căn bản các chính sách kinh tế của Trung Quốc dù được dự báo là khó có thể đạt được trong cuộc tham vấn hai ngày, song gói các biện pháp ngắn hạn của nước này, với một số thay đổi trong chính sách như chấm dứt yêu cầu liên doanh đối với một số ngành, giảm thuế đối với mặt hàng ôtô và tăng việc mua các mặt hàng của Mỹ, có thể sẽ khiến Washington hoãn lại quyết định áp các mức thuế trị giá lên tới 50 tỷ USD đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong nhiều tuần qua, việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu nhau đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại.
Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn.
Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
Không dừng lại, Tổng thống Donald Trump tiếp tục cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung.
Theo giới phân tích, tình thế "bên bờ vực" chiến tranh thương mại là nằm trong chủ ý của Mỹ để từ đó Washington có lợi thế mặc cả hơn trong các cuộc đàm phán. Thực tế đã chứng minh điều này qua các động thái của Washington.
Không phải ngẫu nhiên Mỹ đồng ý tham vấn với Trung Quốc ngay trước thời điểm tuyên bố lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 30 ngày (cho tới ngày 1/6); đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Tín hiệu Tổng thống Donald Trump muốn gửi tới Trung Quốc qua quyết định này là mọi vấn đề đều có thể thương lượng và linh hoạt.
Ngoài ra, đây cũng là động thái giúp Washington không bị quá "căng" trong cuộc tham vấn với Bắc Kinh sau khi đã tạm "dàn hòa" với đối tác truyền thống châu Âu, tránh được các biện pháp trả đũa của EU.
Bà Monica de Bolle, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng tầm quan trọng của EU đối với Mỹ còn lớn hơn nhiều vấn đề thương mại hay những gì liên quan tới thép và nhôm.
Ngoài ra, Mỹ cũng ý thức được những thiệt hại nếu tranh chấp thương mại với Trung Quốc không thể giải quyết.
Nền kinh tế Mỹ nói chung và ngành nông nghiệp của nước này nói riêng cũng sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng. Mỹ sẽ để mất gần 455.000 việc làm và khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giảm 49,2 tỷ USD trong hai năm tới.
Nông nghiệp được cho là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, trong đó người nông dân sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm.
Ngay cả khi Trung Quốc không có hành động đáp trả, riêng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD sẽ khiến Washington để mất 76.000 việc làm và khiến GDP tổn thất 1,6 tỷ USD.
Giới phân tích cho rằng mọi chi phí gia tăng đổ lên đầu người nông dân, nhà máy sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ, cho thấy "chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm suy yếu nước Mỹ."
Cho dù những toan tính đằng sau nỗ lực ngoại giao này có thể là nguyên nhân khiến cho đến nay tất cả các biện pháp trả đũa thuế quan của cả Washington và Bắc Kinh đều chưa có hiệu lực, song giới phân tích nhận định kết quả cuộc tham vấn đầu tiên giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là tích cực và việc hai bên có thể tìm được không gian để thỏa hiệp cần được phát huy.
Cuộc tham vấn có thể là sự khởi đầu để giải quyết thỏa đáng những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bởi đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề./.