Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/7 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một mạng lưới công ty ở Iran, Bỉ và Trung Quốc cũng như một số nhân viên thuộc mạng lưới mà Washington cho là có liên quan tới việc cung ứng các nguyên vật liệu cho chương trình hạt nhân Iran.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ bộ trên đang hành động nhằm phá vỡ mạng lưới sử dụng các công ty bình phong, có trụ sở ở Trung Quốc và Bỉ, để thu mua các nguyên vật liệu hạt nhân quan trọng.
Theo ông, các công ty này hoạt động như một mạng lưới thu mua của Công ty công nghệ máy ly tâm Iran, còn được biết đến là TESA, có vai trò then chốt trong chương trình làm giàu urani của nước Cộng hòa Hồi giáo thông qua việc sản xuất máy ly tâm được sử dụng trong các cơ sở thuộc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran.
Mạng lưới này do công ty Iran Bakhtar Raad Sepahan và các công ty con ở nước ngoài đứng đầu, trong đó có công ty nhôm Henan Jiayuan ở Trung Quốc.
Trong số các cá nhân bị trừng phạt có Giám đốc thương mại TESA Mohammad Fakhrzadeh, Giám đốc điều hành TAWU BVBA - có trụ sở ở Bỉ, Sohayl Talebi - người được cho là có kiến thức sâu rộng về luyện kim.
Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ kể từ khi Tehran thông báo hồi đầu tháng về việc tăng mức làm giàu urani có thể được sử dụng làm nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân.
[Nước cờ cuối cùng của Tổng thống Trump đối với Iran là gì?]
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Mỹ tránh mọi động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với Iran.
Ngày 18/7, trang web của Bộ Ngoại giao Nga công bố nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của ông Sergei Lavrov với tờ Rheinische Post (Đức) đề cập tới căng thẳng Mỹ-Iran, theo đó Ngoại trưởng Nga khẳng định bất kỳ động thái thiếu thận trọng nào có thể dẫn tới các cuộc xung đột với đầy "những hệ lụy khó lường."
Theo ông, chính sách bóp nghẹt hoàn toàn nền kinh tế Iran mà Washington theo đuổi đã làm trầm trọng tình hình Vùng Vịnh và "sẽ là sai lầm" nếu đổ lỗi cho Iran về tình hình hiện nay.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh con đường này của Mỹ là "thiển cận và nguy hiểm."
Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng cho rằng việc Mỹ tăng cường lực lượng hải quân tại Vùng Vịnh có thể gây ra một cuộc đối đầu vũ trang.
Do đó, tất cả các bên, đặc biệt là Mỹ, cần có những bước đi nhằm giảm căng thẳng leo thang, giải quyết những vấn đề tồn đọng thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Theo đó, các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân cần đạt được sự nhất trí chung và Moskva sẽ tiếp tục hợp tác với Iran "một cách hoàn toàn hợp pháp và cùng có lợi."
Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cũng nhất trí về sự cần thiết của việc tăng cường các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Hai nhà lãnh đạo đều cho rằng thỏa thuận này là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo an ninh ở Trung Đông và duy trì quy chế không phổ biến vũ khí hạt nhân./.