Theo Reuters và AFP, Tổng thống Barack Obama cho biết Mỹ và các nước khác sẽ bắt đầu “nới lỏng một cách hạn chế” các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Điều kiện cho hành động này là Tehran phải thực hiện trách nhiệm của họ trong thỏa thuận đạt được ngày 12/1 nhằm khởi động việc thực thi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Obama nêu rõ: “Với thỏa thuận ngày hôm nay, chúng ta đã đạt được tiến bộ cụ thể. Tôi hoan nghênh bước tiến quan trọng này và chúng ta sẽ tập trung vào công việc quan trọng là theo đuổi một giải pháp toàn diện mà sẽ giúp giải tỏa các mối quan ngại của chúng ta về chương trình hạt nhân Iran.”
Tổng thống Obama cũng khẳng định rằng ông nhận thức rất rõ về mức độ khó khăn để đạt được mục tiêu này, nhưng nhấn mạnh vì an ninh quốc gia, hòa bình và an ninh thế giới, “giờ là lúc trao cho ngoại giao một cơ hội để thành công.”
Ông Obama đồng thời tuyên bố sẽ phủ quyết bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào mà Quốc hội Mỹ thông qua trong quá trình đàm phán về một thỏa thuận dài hạn với Iran, nhưng khẳng định Washington sẽ sẵn sàng tăng cường trừng phạt nếu Tehran không tuân thủ thỏa thuận.
Cùng ngày, chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu đã xác nhận thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 sẽ có hiệu lực từ ngày 20/1.
Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton nêu rõ: “Chúng tôi sẽ đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế triển khai các hoạt động giám sát và kiểm chứng cần thiết liên quan đến hạt nhân."
Theo THX, ngày 12/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington sẽ “hết sức thận trọng” trong việc kiểm chứng và giám sát những hành động của Iran sau khi các bên nhất trí rằng thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Iran và P5+1 sẽ có hiệu lực vào ngày 20/1 tới.
Phát biểu sau khi các bên đạt được thỏa thuận trên, ông Kerry nhấn mạnh kể từ ngày 20/1, lần đầu tiên trong gần 10 năm, chương trình hạt nhân Iran sẽ không thể tiến triển và một phần của chương trình này sẽ bị rút lại.
Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt có thể đe dọa toàn bộ tiến trình đàm phán.
Thừa nhận giai đoạn tiếp theo trong cuộc đàm phán với Iran sẽ hết sức cam go, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thấy rõ những thách thức thậm chí còn lớn hơn mà tất cả chúng ta đang đối mặt trong việc đàm phán một thỏa thuận toàn diện”./.