Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhất trí sớm đối thoại thương mại

Mỹ và EU sẽ thiết lập một cơ chế đối thoại thương mại trong vòng 2 tuần tới, một tín hiệu mới về hướng tháo gỡ cho căng thẳng giữa hai bên liên quan chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Mỹ.
Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhất trí sớm đối thoại thương mại ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 8/6, một quan chức Pháp cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiết lập một cơ chế đối thoại thương mại trong vòng 2 tuần tới, một tín hiệu mới về hướng tháo gỡ cho căng thẳng giữa hai bên liên quan chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Mỹ.

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn tin từ một quan chức Pháp tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) tại Canada, cho biết các bên, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã nhất trí nguyên tắc của một cơ chế đối thoại giữa EU và Mỹ trong buổi làm việc chiều 8/6 bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Canada.

Theo nguồn tin này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được cho là đã mềm mỏng hơn sau khi có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhận định rằng ông Macron đang có những đóng góp giúp tháo gỡ vấn đề thương mại.

Lãnh đạo Mỹ-Pháp đã có cuộc hội đàm song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Phát biểu sau cuộc hội đàm, ông Trump khẳng định sẽ có những biến chuyển rất tích cực song không đưa ra chi tiết cụ thể.

[Lãnh đạo Canada thảo luận các vấn đề hợp tác với EU, Nhật Bản, Đức]

Trong khi đó, Tổng thống Pháp cho rằng có thể tháo gỡ những vấn đề thương mại vốn đang gây chia rẽ trong nội bộ G7.

Phát biểu trước báo giới, "ông chủ" Điện Elysée cho rằng trong vấn đề thương mại sẽ luôn có cách để tất cả các bên đều có thể đạt tiến bộ. Ông cũng nhận thấy các bên đều sẵn sàng tìm kiếm biện pháp và cách tiếp cận có lợi nhất cho tất cả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã đưa ra ý tưởng xây dựng một lộ trình giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác trong G7.

Lộ trình này được một quan chức mô tả như là cơ chế "tiếp cận chung và đối thoại", somg chưa có thông tin cụ thể về đề xuất trên. Cũng theo quan chức này, đề xuất của bà Merkel đã nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo khác.

Trong một diễn biến tích cực khác đánh dấu sự xích lại gần nhau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đề nghị tới Washington để đánh quá mối quan hệ thương mại EU-Mỹ nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng hiện tại.

Tuy nhiên, vẫn không nhiều người kỳ vọng các bên có thể đạt được bứt phá trong thương mại tại hội nghị lần này để có thể đi đến tuyên bố chung.

Hội nghị tại Canada diễn ra trong bối cảnh Mỹ gây căng thẳng với hầu hết các đồng minh khi quyết định áp thuế nhập khẩu nhôm, thép lên tới 10% và 25% với EU, Canada và Mexico.

Một số các quốc gia chịu ảnh hưởng cũng đã đáp trả bằng cách áp thuế nhằm vào nhiều mặt hàng nhập từ Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.