Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục vòng đàm phán thứ 11 về TTIP

Vòng đám phán thứ 11 về TTIP lần này đang đối mặt với sức ép phải đạt được những tiến bộ mới sau khi Washington và 11 đối tác tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục vòng đàm phán thứ 11 về TTIP ảnh 1 Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney (phải) và người đồng cấp EU Ignacio Garcia Bercero trong cuộc họp báo kết thúc đàm phán thứ 10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/10 tại Miami (Mỹ), các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu vòng đàm phán mới về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhằm thu hẹp khác biệt về những vấn đề then chốt giữa hai bên.

Vòng đám phán thứ 11 về TTIP lần này đang đối mặt với sức ép phải đạt được những tiến bộ mới sau khi Washington và 11 đối tác tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Nhật Bản và Canada, mới đạt được thỏa thuận cuối cùng về TPP.

Phát biểu tại Madrid (Tây Ban Nha), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng cũng như TPP, mục đích của TTIP là dỡ bỏ các rào cản về thương mại và đầu tư mà đang cản trở đà tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Cả TPP và TTIP đều có mục đích là hạ thấp dần mức thuế quan và gỡ bỏ rào cản phi thuế quan, dù đây chỉ là một vấn đề tương đối nhỏ giữa Mỹ và châu Âu, khi mức thuế trong thương mại hiện đã ở mức rất thấp.

Dù vậy, hai bên vẫn đặt mục tiêu cao hơn, kiến tạo nên điều mà Nhà Trắng cho là những luật lệ quy định cho đầu tư và thương mại thế kỷ 21, trong đó tập trung đặc biệt vào thương mại thời kỹ thuật số và quyền sở hữu trí tuệ, cũng như việc hài hòa hóa các nguyên tắc kinh doanh toàn cầu.

Theo phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Mỹ, các cuộc đàm phán về TTIP đã được bắt đầu từ tháng 7/2013 và vòng đàm phán trong tuần này chủ yếu mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề hết sức nhạy cảm đối với cả doanh nhân và công dân của cả hai phía.

Khi hoàn thành, TTIP sẽ kết nối hai nền kinh tế khổng lồ Mỹ và châu Âu, với dân số khoảng 850 triệu người và chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.