Mỹ và Nhật Bản tiến hành vòng đàm phán thương mại mới

Phát biểu với báo giới sau cuộc thảo luận kéo dài 5 giờ đồng hồ, ông Motegi cho biết Nhật Bản và Mỹ đang tiến gần hơn đến “giai đoạn cuối” trong cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương.
Mỹ và Nhật Bản tiến hành vòng đàm phán thương mại mới ảnh 1Mỹ đề nghị Nhật Bản mua nông sản với số lượng lớn. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/8, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại cấp bộ trưởng tại thủ đô Washington, Mỹ.

Theo hãng tin Kyodo, phát biểu với báo giới sau cuộc thảo luận kéo dài 5 giờ đồng hồ, ông Motegi cho biết Nhật Bản và Mỹ đang tiến gần hơn đến “giai đoạn cuối” trong cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương.

Ông Motegi nêu rõ: "Các vấn đề cần tháo gỡ trong các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đã được thu hẹp lại một chút. Chúng tôi nhất trí đẩy nhanh cuộc đàm phán và tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để sớm đạt được kết quả."

[Mỹ-Nhật nhất trí thúc đẩy các cuộc đối thoại thương mại vào tháng tới]

Ông Motegi cũng cho biết cuộc thảo luận có những tiến triển hướng tới thỏa thuận, song vẫn còn những khoảng cách cần được thu hẹp.

Dự kiến, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Motegi và Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer sẽ gặp lại nhau trong ngày 22/8 sau khi các cuộc thảo luận cấp chuyên viên giữa hai bên diễn ra.

Các cuộc hội đàm này nhằm đặt nền móng cho cuộc gặp có thể diễn ra giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Pháp vào cuối tuần này.

Hiện Nhật Bản và Mỹ đều hy vọng thu hẹp khoảng cách trong một số lĩnh vực để sớm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương. Tokyo muốn Washington bãi bỏ thuế đối với ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản, cho rằng áp thuế là một biện pháp để giải quyết tình trạng cán cân thương mại không cân bằng.

Washington cũng đòi hỏi Tokyo mở cửa thị trường hơn đối với các sản phẩm sữa, thịt bò, thịt lợn, lúa mỳ của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.