Mỹ và Trung Quốc nhất trí khởi động đàm phán về vấn đề dư thừa năng lực sản xuất

Tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong một số ngành của Trung Quốc đã trở nên rõ nét, trong bối cảnh nhu cầu tại nước này vẫn còn yếu khi nền kinh tế đang giảm tốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) hội kiến Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 5/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) hội kiến Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 5/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 6/4 cho biết Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí mở các cuộc đàm phán về "tăng trưởng cân bằng," trong đó sẽ giải quyết những lo ngại của Mỹ về năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc đối với xe ôtô điện và nhiều mặt hàng khác.

Tại cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại tỉnh Quảng Châu, miền Nam nước này, bà Yellen đã đề cập đến những lo ngại về tác động từ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc trong các lĩnh vực như xe điện và tấm pin năng lượng Mặt trời do chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Liên quan đến việc Trung Quốc xuất khẩu một khối lượng lớn hàng hóa ở mức giá thấp, bà Yellen cho rằng việc thay đổi các chính sách vốn thúc đẩy tình trạng dư thừa này sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế trên toàn cầu.

Tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong một số ngành của Trung Quốc đã trở nên rõ nét, trong bối cảnh nhu cầu tại nước này vẫn còn yếu khi nền kinh tế đang giảm tốc dưới áp lực từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Liên quan đến vấn đề này, hãng tin Tân Hoa Xã ngày 6/4 có bài viết cho rằng nhiều thế kỷ qua, các quốc gia phương Tây đã áp dụng quy tắc kinh tế cơ bản là các sản phẩm dư thừa sẽ tìm kiếm các thị trường ở nước ngoài.

Bài viết cho rằng thay vì sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, Mỹ cần tập trung thúc đẩy đổi mới và tăng cường khả năng cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.