Mỹ: Xăng lên giá trong tháng Sáu thúc đẩy lạm phát tăng cao

Tính trên cơ sở hằng năm, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo chính của lạm phát, đã tăng 1% trong tháng Sáu và tăng 6,8% trong tháng Năm.
Mỹ: Xăng lên giá trong tháng Sáu thúc đẩy lạm phát tăng cao ảnh 1Người dân bơm xăng cho ôtô tại trạm xăng ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/7, Cơ quan Phân tích Kinh tế (BEA) của Mỹ công bố số liệu cho thấy giá xăng tăng trong tháng Sáu đã thúc đẩy lạm phát tăng cao và làm giảm sức mua của các hộ gia đình ở nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tính trên cơ sở hằng năm, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo chính của lạm phát, đã tăng 1% trong tháng Sáu và tăng 6,8% trong tháng Năm.

Tỷ lệ lạm phát hằng tháng đã tăng từ 0,6% vào tháng Năm và tỷ lệ lạm phát hằng năm tăng từ 6,3% trong tháng đó.

Chỉ số giá PCE là thước đo lạm phát quan trọng của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch tăng lãi suất của ngân hàng trung ương này.

[Những tranh luận "nóng" xung quanh hiện trạng kinh tế Mỹ]

Fed đặt mục tiêu duy trì lạm phát hằng năm ở mức dưới 2% và đang tăng lãi suất nhanh chóng để đưa tăng trưởng giá trở lại mức đó.

Các nhà kinh tế dự báo chỉ số giá PCE sẽ cho thấy một bước nhảy vọt khác về lạm phát vào tháng 6, khi giá trung bình của một gallon xăng (tương đương 3,78 lít) ở Mỹ tăng trên 5 USD.

Cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên trên toàn cầu, cùng với lương thực và các mặt hàng khác, khiến giá cả ngày càng tăng cao và biến động. Giá năng lượng đã tăng 7,5% và giá thực phẩm tăng 1% trong tháng Sáu.

Giá năng lượng và thực phẩm cao cũng có nguy cơ thúc đẩy lạm phát khi các công ty cố gắng trang trải chi phí vận chuyển, sản xuất và nguyên liệu cao hơn.

Theo chỉ số giá PCE, giá năng lượng đã tăng 43,5% và giá thực phẩm tăng 11,2% hằng năm vào tháng Sáu.

Nếu không có giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá PCE đã tăng 0,6% trong tháng và 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Sáu, cả hai đều tăng cao hơn so với mức tháng 5 lần lượt là 0,3% và 4,7%.

Giá dầu giảm gần đây có thể sẽ đẩy lạm phát đi xuống trong tháng Bảy. Tuy nhiên, dữ liệu tháng Sáu cũng cho thấy lạm phát gia tăng ở các khu vực ngoài những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột ở Ukraine.

Mức tăng hằng tháng của chỉ số giá PCE không có thực phẩm và năng lượng giữ ở mức 0,3% trong mỗi tháng từ tháng 2 đến tháng Năm, nhưng đã tăng gấp đôi lên mức tăng 0,6% vào tháng Sáu.

Lạm phát PCE hằng năm không bao gồm lương thực hoặc năng lượng cũng tăng lần đầu tiên kể từ tháng Hai.

Fed và các nhà kinh tế đã chú ý nhiều hơn đến lạm phát mà không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, còn được gọi là lạm phát “lõi,” vì thị trường thực phẩm và năng lượng biến động nhiều hơn và thường không phản ánh các lực đẩy giá lớn hơn.

Lạm phát cơ bản cao hơn có thể là một dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất của Fed vẫn chưa làm nền kinh tế chậm lại, đủ để tạo ra sự sụt giảm trong tăng trưởng giá cả.

Lạm phát gia tăng là một trong những thách thức lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt, mặc dù vẫn có khả năng phục hồi và tăng thêm 2,7 triệu việc làm trong năm nay ngay cả khi các nhà kinh tế nhận thấy quốc gia này đang tiến gần đến suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.