Mỹ yêu cầu tiếp cận nhân đạo tại vùng Tigray của Ethiopia

Tổng thống Mỹ Biden yêu cầu các bên tham chiến tại khu vực Tigray cần tuyên bố và tuân thủ một lệnh ngừng bắn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo nhằm ngăn chặn nạn đói.
Trong ảnh: Người dân Ethiopia sơ tán từ vùng chiến sự Tigray tới lánh nạn tại một trại tị nạn ở bang Gedaref, Sudan, ngày 6/12/2020. (Ảnh: AFP/TXTVN)
Trong ảnh: Người dân Ethiopia sơ tán từ vùng chiến sự Tigray tới lánh nạn tại một trại tị nạn ở bang Gedaref, Sudan, ngày 6/12/2020. (Ảnh: AFP/TXTVN)

Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án cuộc xung đột kéo dài 6 tháng tại khu vực Tigray của Ethiopia, đồng thời kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo tại đây.

Trong một tuyên bố phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nêu rõ "Tôi vô cùng quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang và sự chia rẽ sắc tộc cũng như khu vực ngày càng tăng ở nhiều nơi của Ethiopia. Những vụ xâm phạm nhân quyền quy mô lớn đã xảy ra tại Tigray, trong đó có bạo lực tình dục tràn lan, là không thể chấp nhận được và phải chấm dứt."

Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nhấn mạnh các bên tham chiến tại khu vực Tigray cần tuyên bố và tuân thủ một lệnh ngừng bắn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo nhằm ngăn chặn nạn đói và đối thoại toàn diện để giải quyết xung đột.

[Đụng độ sắc tộc ở Ethiopia khiến hàng trăm người thiệt mạng]

Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, có tới 91% trong dân số khoảng 6 triệu người ở khu vực Tigray cần được viện trợ. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock đã hối giục Hội đồng Bảo an và các nước "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn nạn đói xảy ra tại đây."

Mỹ cam kết hỗ trợ Ethiopia giải quyết những khó khăn hiện nay. Dự kiến, tuần tới, đặc phái viên Mỹ phụ trách khu vực Sừng châu Phi Jeffrey Feltman sẽ trở lại Tigray.

Các cuộc đụng độ dọc theo biên giới của Ethiopia xảy ra trước cuộc xung đột kéo dài 6 tháng ở phía Bắc nước này, đã khiến chính phủ phải phát động chiến dịch quân sự chống lại đảng từng cầm quyền ở vùng Tigray.

Tuy nhiên, ngay cả khi chính phủ nước này khẳng định đã kiểm soát vùng Tigray, tình trạng bạo lực vẫn gia tăng.

Từ tháng 11 năm ngoái, hàng nghìn người đã bị giết và khoảng 2 triệu người tại Tigray đã buộc phải đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.