Ngày 18/3, Quân đội Myanmar thông báo thành lập một tòa án binh để điều tra hành động của quân đội bị cho là trấn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya năm 2017, khiến hơn 730.000 người phải trốn sang nước láng giềng Bangladesh.
Tuyên bố đăng trên trang mạng của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Min Aung Hlaing cho biết tòa án trên, gồm một thiếu tướng và hai đại tá, sẽ điều tra các sự kiện ở bang Rakhine, miền Tây, hồi tháng 8/2017.
Mục tiêu của tòa là nhằm làm sáng tỏ các cáo buộc của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân quyền như tổ chức Ân xá quốc tế (AI) và Giám sát nhân quyền (HRW) rằng các lực lượng an ninh đã tiến hành các vụ sát hại hàng loạt, hãm hiếp và phóng hỏa.
[LHQ: Myanmar quá chậm trễ trong việc tiếp nhận trở lại người Rohingya]
Tháng 8/2017, quân đội Myanmar đã tiến hành chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy tại bang Rakhine, miền Tây nước này, sau các vụ tấn công của phiến quân nhằm vào một số chốt an ninh tại bang này.
Theo Liên hợp quốc, hơn 720.000 người Rohingya tại bang Rakhine đã sang tị nạn tại Bangladesh kể từ đó.
Tháng 11/2017, Myanmar và Bangladesh công bố một kế hoạch hồi hương người Rohingya, nhưng không xúc tiến được kế hoạch này vì nhiều trở ngại và hai bên đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận.
Tháng 6/2018, Chính phủ Myanmar đạt thỏa thuận với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm tạo điều kiện cho người Rohingya hồi hương.
Năm 2018, phái bộ tìm hiểu sự thật của Liên hợp quốc cáo buộc cùng chiến dịch quân sự trên là một "ý định diệt chủng," và khuyến cáo buộc tội Tướng Hlaing và 5 tướng lĩnh quân đội khác của Myanmar "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế."
Myanmar bác bỏ mọi cáo buộc giết người, hãm hiếp và các hành động lạm dụng khác của các lực lượng an ninh. Một cuộc điều tra trước đó của quân đội năm 2017 cũng đã kết luận rằng các lực lượng an ninh không phạm tội.
Tháng Năm năm ngoái, Myanmar đã quyết định thành lập một ủy ban điều tra độc lập trong khuôn khổ sáng kiến nhằm đạt được sự hòa giải, hòa bình và phát triển tại bang Rakhine.
Ủy ban có nhiệm vụ điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền và các vấn đề liên quan sau vụ tấn công khủng bố của nhóm phiến quân "Đội quân cứu thế Arakan Rohingya" (ARSA).
Ủy ban trên gồm 3 thành viên, trong đó có một nhân vật quốc tế, và được các chuyên gia pháp lý trong nước và quốc tế hỗ trợ.
Chính phủ Myanmar đã tái khẳng định nếu có bằng chứng rõ ràng rằng lực lượng an ninh đã vi phạm nhân quyền tại Myanmar, thì điều tra sẽ được tiến hành và sẽ có hành động theo đúng luật.
Trong một diễn biến liên quan, người dân Rakhine ngày 18/3 cho biết cuộc đụng độ giữa quân đội Myanmar và nhóm phiến quân người Rakhine, Arakan Army (AA) hiện đã lan tới tới các ngôi đề cổ ở Mrauk U, cố đô của Vương quốc Rakine xưa.
Quân đội Myanmar đã tăng cường hoạt động truy quét nhóm phiến quân AA sau khi những kẻ nổi loạn có vũ trang tiến hành một cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát hồi đầu tháng Một vừa qua làm 13 sỹ quan thiệt mạng.
Giới chức Myanmar xác định chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa tại bang Rakhine của Myanmar và có thể gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" cho khu vực.
Theo Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, nguy cơ từ các hoạt động khủng bố, nguyên nhân ban đầu của các sự kiện dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo tại bang Rakhine, vẫn đang hiện hữu.
Bà nhấn mạnh nếu thách thức an ninh này không được giải quyết, sẽ có nguy cơ bùng phát bạo lực giữa các giáo phái và đây là mối đe dọa có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ cho Myanmar mà cho cả các nước trong và ngoài khu vực./.