Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Dinna Wisnu với tựa đề: “Phá rào cản nhân quyền: Các nền dân chủ và vấn đề người Rohingya,” trong đó cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gặp khó trong giải quyết vấn đề người Rohingya ở Myanmar là do rào cản nhân quyền.
Tác giả bài viết, hiện là cố vấn cao cấp cho Viện Chính sách Công thuộc Đại học Atmajaya, cho rằng ASEAN cần vượt qua thử thách này mới có thể bảo toàn giá trị nhân quyền như đã nêu trong Hiến chương của khối.
Nội dung bài viết như sau:
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã khẳng định Indonesia sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề người Rohingya ở bang Rakhine, Myanmar.
Ông đã đề cập đến việc trao thêm trách nhiệm cho Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (Trung tâm AHA) để tìm hiểu các bước và những hình thức hợp tác cần thiết trong việc hồi hương người Rohingya từ Bangladesh về Myanmar.
Trung tâm AHA đang thể hiện vai trò của ASEAN đối với việc giải quyết vấn đề người Rohingya ở Myanmar.
Thông thường Myanmar sử dụng kênh quan hệ song phương với một số quốc gia thành viên ASEAN hoặc đối thoại thông qua nước nắm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Lần này là thông qua một tổ chức của ASEAN, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo đã đưa ra một nhiệm vụ vượt quá tất cả những gì đã được trao cho bất kỳ cơ quan riêng lẻ nào khác của ASEAN.
Điều này phản ánh cách một số nước ASEAN đang thúc đẩy ASEAN tham gia vào các vấn đề của Myanmar.
Với các nguyên tắc hoạt động đồng thuận và không can thiệp của ASEAN, sự nhất trí nhanh chóng đạt được giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong việc mở rộng nhiệm vụ của Trung tâm AHA cho thấy một hướng đi đầy hứa hẹn cho sự tham gia của ASEAN đối với vấn đề người Rohingya ở Myanmar.
Hiện tại ASEAN cần phải giải quyết cả vấn đề nhân đạo và nhân quyền đối với người Rohingya. Trung tâm AHA xử lý vấn đề nhân đạo, song vấn đề nhân quyền về Myanmar lại vẫn bị né tránh.
Trớ trêu thay, ngoài Myanmar, chỉ một số nước thành viên khác của ASEAN cũng khuyến khích Myanmar tránh bất kỳ cuộc đối thoại nào về người Rohingya tại Ủy ban Nhân quyền Liên Chính phủ ASEAN (AICHR).
Tại AICHR, từ năm 2016 đến năm 2018, chỉ có Indonesia và Malaysia dám tiếp tục lên tiếng về các vấn đề nhân quyền liên quan đến vấn đề người Rohingya ở Myanmar.
[ASEAN và Myanmar trong bài toán hồi hương người Rohingya]
Các quốc gia khác hoặc chọn giải pháp yên lặng hoặc chờ xem một số ít công khai ủng hộ đối với Myanmar để chia sẻ một số thông tin hạn chế.
Đại diện của các nước ủng hộ việc Myanmar từ chối thảo luận bất cứ điều gì liên quan đến nhân quyền nói rằng họ không quan tâm đến việc nghe bất kỳ thông tin cập nhật hoặc thông tin nào từ Myanmar và do đó không một quốc gia nào khác "có thể buộc" Myanmar giải quyết vấn đề Rakhine trong khuôn khổ AICHR.
Điều này có gì đó không bình thường, vì ban đầu đại diện của Myanmar tại AICHR khá ôn hòa về việc chia sẻ thông tin và cập nhật về bang Rakhine và vấn đề người Rohingya với các đại diện khác trong các cuộc họp không chính thức. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ đơn thuần cáo buộc ASEAN là "không làm gì" trong việc xử lý vấn đề nhân đạo ở Myanmar.
Năm 2018 là khó khăn nhất, bởi mặc dù Myanmar hồi tháng 4 đã yêu cầu ASEAN giúp đỡ song ít nhất một thành viên đã chủ động từ chối bất kỳ cuộc thảo luận nào về bang Rakhine tại các cuộc họp ở ASEAN.
Đó là lý do tại sao tác giả và Edmund Bon Tai Soon, đại diện của Malaysia tại AICHR, đã đưa ra tuyên bố chung trên báo giới vào ngày 23/4 vừa qua để thu hút sự chú ý từ các nhà chức trách ASEAN đang tham dự cuộc họp trong tuần đó tại Singapore.
Tuyên bố khẳng định sự can dự của ASEAN là hết sức cần thiết. Không một quốc gia nào có thể vượt qua được vấn đề nhân quyền trong tình huống này. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào về vấn đề này với các đại diện khác của AICHR.
Myanmar rõ ràng là bị thách thức. Tác giả không thể tự tin nói rằng liệu giới chức Myanmar có thực sự quan tâm đến việc thực hiện các khuyến nghị của cố Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, người chủ trì ủy ban cố vấn quốc tế về Rakhine.
Phản ứng của Myanmar đối với Sứ mệnh tìm kiếm sự thực độc lập của Liên hợp quốc về Myanmar cho thấy chính phủ chỉ đơn giản nghĩ rằng họ không làm điều gì sai trái.
Chính phủ Myanmar nghĩ rằng những gì đã xảy ra bên trong biên giới của Myanmar là vấn đề nội bộ của họ và sẽ không bị tra hỏi bởi bất kỳ quốc gia nào khác.
Việc từ chối bất kỳ vi phạm nhân quyền nào cũng được phản ánh trong việc Myanmar thành lập các ủy ban tìm kiếm sự thật của riêng mình. Đã có đến 8 ủy ban như vậy kể từ năm 2012.
Tuần này Indonesia tiếp tục tổ chức Diễn đàn Dân chủ Bali (BDF) diễn ra từ ngày 6-7/12 vừa qua với chủ đề “Dân chủ bị biến dạng và viễn cảnh thịnh vượng.”
Những gì đang diễn ra ở Myanmar ngày hôm nay cho thấy các công dân của các nền phi dân chủ có thể trải qua những khó khăn như thế nào chỉ để mường tượng về hạnh phúc và sự hài lòng của cuộc sống dưới một nền dân chủ.
Đối với các nhà lãnh đạo Myanmar, tiếng nói của các thành viên tổ chức phi chính phủ và các cuộc thảo luận về nhân quyền vẫn không được hoan nghênh và nhiều khi còn bị cấm đoán.
Một số thậm chí còn chỉ trích các nhà hoạt động nhân quyền đang cản trở sự phát triển của Myanmar bằng việc mở quá nhiều các cuộc đối thoại về nhân quyền.
Sự gián đoạn công nghệ, việc mở cửa nhiều thị trường mới và sự bảo hộ của các nền kinh tế phát triển hơn được xem như những lý do để các quốc gia như Myanmar đặt nền dân chủ là ưu tiên cuối cùng của họ. Đây là lý do tại sao các nền dân chủ phải hợp tác với nhau.
Các nền dân chủ không thể cho phép họ bị biến dạng và không thể để lại kẽ hở để các chế độ phi dân chủ viện cớ hủy hoại tự do và quyền lợi khiến hàng trăm triệu người sợ hãi, tra tấn, bị cưỡng bức, bắt giữ tùy ý và chất lượng sống nghèo đói, trong đó có khoảng 260 triệu người Indonesia.
Người Indonesia đã nuốt thuốc đắng khi sống trong chế độ phi dân chủ và đã hiểu rằng việc đảm bảo nhân quyền sẽ song hành với sự thịnh vượng.
Tất cả chúng ta nên tiếp tục làm việc không mệt mỏi, không chỉ để hiểu biết hơn về Myanmar, mà còn ở các nước láng giềng với sự hiểu biết hạn chế về sức mạnh của biện pháp giải quyết vấn đề người Rohingya dựa theo nhân quyền.
Đây là thử nghiệm của ASEAN về cam kết của mình đối với Hiến chương ASEAN, trong đó nói rằng quyền con người là một phần quan trọng của cộng đồng ASEAN.
Đó không chỉ là nhiệm vụ của Indonesia để có thể cải thiện nhân quyền đối với người Rohingya ở Myanmar mà các quốc gia thành viên ASEAN khác cũng như những người tham dự Diễn đàn Dân chủ tại Bali lần này cũng cần tham gia vào "hành trình" của nhiệm vụ này./.