Các kế hoạch của Bangladesh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya của Myanmar nên được hoãn tới năm 2019 với các chương trình hồi hương và tái thiết có khả năng sẽ chỉ được xem xét lại sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào cuối năm nay.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu ngày 18/11, Ủy viên Ủy ban Cứu trợ và hồi hương người tị nạn của Bangladesh, ông Abul Kalam tuyên bố "một tiến trình hành động mới" về việc hồi hương cần được thông qua có cân nhắc tới những yêu cầu của người tị nạn.
Tuy nhiên, sau đó ông đã nhấn mạnh rằng đây là quan điểm cá nhân của ông và không phải của chính phủ.
Việc hồi hương nhóm 2.200 người tị nạn Rohingya đầu tiên theo dự kiến chính thức bắt đầu từ hôm 15/11, song đã bị hoãn lại do vấp phải sự phản đối từ chính những người này. Họ đã đưa ra những yêu cầu về công bằng, quyền công dân và khả năng được trở về những ngôi làng và vùng đất quê hương của mình.
[ASEAN và Myanmar trong bài toán hồi hương người Rohingya]
Cuối tháng 10 vừa qua, giới chức Bangladesh và Myanmar đã nhất trí bắt đầu hồi hương người di cư Rohingya vào giữa tháng 11 này.
Tháng 8/2017, quân đội Myanmar đã tiến hành chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy tại bang Rakhine, miền Tây nước này, sau các vụ tấn công của phiến quân nhằm vào một số chốt an ninh tại bang này.
Theo Liên hợp quốc, hơn 720.000 người Rohingya tại bang Rakhine đã sang tị nạn tại Bangladesh kể từ đó.
Tháng 11/2017, Myanmar và Bangladesh công bố một kế hoạch hồi hương người Rohingya, nhưng không xúc tiến được kế hoạch này vì nhiều trở ngại và hai bên đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận.
Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Myanmar đạt thỏa thuận với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm tạo điều kiện cho người Rohingya hồi hương.
Theo kế hoạch, Bangladesh sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào ngày 30/12 tới./.