Na Uy mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới

Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy cho rằng tiềm năng phát triển hợp tác với Việt Nam còn rất lớn và sẽ đề xuất các cuộc tiếp xúc bên lề Đại hội đồng AIPA 41 để bàn cụ thể về các vấn đề hợp tác giữa hai bên.
Na Uy mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu tiếp Nghị sỹ Elin Agdestein, Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy tham dự Đại hội đồng AIPA 40. (Nguồn:daibieunhandan.vn)

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 27/8, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã tiếp Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 40), Nghị sỹ Elin Agdestein.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy cho rằng, cuộc gặp bên lề Đại hội đồng AIPA 40 là dịp rất tốt để hai bên có thể trao đổi, thảo luận với nhau về các vấn đề cùng quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Nghị sỹ Elin Agdestein hài lòng nhận thấy, kể từ khi Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11/1971 đến nay, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp.

Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Cùng với các nước Bắc Âu khác, Na Uy đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam trước đây.

Quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Hai nước đã và đang duy trì các hoạt động tiếp xúc cấp cao.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thăm chính thức Việt Nam vào tháng 4/2015 và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thăm Na Uy vào tháng 5/2019 vừa qua.

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Na Uy đạt 363 triệu USD.

Tháng 11/2006, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam-Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại-đầu tư giữa hai nước.

Hiện Na Uy đang có 41 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

[Na Uy là đối tác quan trọng của Việt Nam tại thị trường Bắc Âu]

Khoảng 40 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ tin tưởng, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được phê chuẩn và đưa vào thực hiện sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên; góp phần thúc đẩy doanh nghiệp Na Uy đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như vận tải biển, đóng tàu cá, dầu khí, nuôi trồng và bảo vệ thủy sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin…

Nghị sỹ Elin Agdestein cho biết, Na Uy mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Trong năm 2020, Na Uy sẽ kỷ niệm 5 năm trở thành Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN. Đây cũng là năm mà Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA.

Với tư cách là đối tác quan trọng của Việt Nam, Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy nhấn mạnh, Nghị viện Na Uy mong muốn và sẵn sàng cử Đoàn tham dự Đại hội đồng AIPA 41 tổ chức tại Việt Nam.

Cho rằng tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn, Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy đề xuất sẽ có các cuộc tiếp xúc với phía Việt Nam bên lề Đại hội đồng AIPA 41 để bàn cụ thể hơn về các vấn đề hợp tác giữa hai nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao việc Na Uy mong muốn tham gia nhiều hơn vào các cơ chế hợp tác với ASEAN và AIPA; đồng ý với quan điểm của Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy về việc trong bối cảnh thế giới có những diễn biến như hiện nay thì các nước cần xây dựng, củng cố lòng tin với nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có khuôn khổ pháp lý của Liên hợp quốc.

Đánh giá cao vai trò, nỗ lực của Na Uy trong việc góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển trên thế giới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội mong muốn Na Uy ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trưởng đoàn Nghị viện Na Uy nêu rõ, là một quốc gia ven biển và có diện tích trên biển lớn gấp 7 lần diện tích trên đất liền, Na Uy hoàn toàn đồng ý và ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc các nước phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền trên biển của các quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục