Số doanh nghiệp được thành lập mới là một điểm nhấn trong năm 2016 và đây cũng là một trong những mục tiêu mà Chính phủ và các địa phương đặt ra trong việc phát triển kinh tế xã hội các năm tiếp theo.
Khuyến khích khởi nghiệp
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, nhiều chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh đã được thành phố ban hành. Đến năm 2017, thành phố sẽ phấn đấu thành lập mới 50.000 doanh nghiệp và nâng lên 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu trên, tại buổi họp Chính phủ với địa phương chiều 28/12, ông Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh đến các chính sách của thành phố như đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh cũng như thực hiện cơ chế một cửa và cải cách hành chính.
Ngoài ra, theo ông Phong, thành phố sẽ tập trung nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ và huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế trong năm 2017. Cùng với đó là những chính sách mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Điểm lại bối cảnh chung trong năm 2016 với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế vẫn đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,21%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 1,36%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,5%; dịch vụ tăng 6,98%.
Tính đến hết năm 2016, cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Theo lãnh đạo Chính phủ, đây là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh.
Phải có kế hoạch hành động
cụ thể
Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng nhưng dự báo năm 2017, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa hết khó khăn, đặc biệt hàng rào thuế quan từ các nước nhập khẩu sẽ có nhiều tác động đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trước thực tế trên, trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến một loạt giải pháp lớn.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ trong tổ điều hành vĩ mô phải theo dõi sát diễn biến, cập nhật tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp.
Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng lưu ý đến việc khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2017, các bộ ngành chức năng phải có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đổi mới khoa học công nghệ và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
“Khâu yếu nhất của chúng ta là tổ chức thực hiện, vì vậy lần này Nghị quyết giao trong tháng 1/2017, các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể. Thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh,” Phó Thủ tướng kết luận./.