Do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, khiến nguồn cung thịt trên thị trường thiếu hụt làm cho giá cả mặt hàng này và cùng sản phẩm chế biến leo thang. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,4% so với tháng 11 và là mức tăng cao nhất vào các tháng 12 trong 9 năm trở lại đây. Điều này đã khiến CPI cả năm tăng 5,23% so với tháng 12/2018.
Cho biết thông tin trên song bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, CPI bình quân của năm chỉ tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng 11. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42%, tăng thấp nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%, riêng nhóm Bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,09%.
Tiêu hủy 340.800 tấn thịt lợn
Từ báo cáo, tính đến ngày 19/12, tổng số lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi là gần 6 triệu con với tổng trọng lượng 340.800 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước.
Trên thị trường, giá thịt lợn trong tháng đã tăng 19,7% xuất phát từ việc khan hiếm nguồn cung. Theo đó, các dòng sản phẩm chế biến từ thịt lợn cũng leo giá giá thịt quay, cụ thể giò chả tăng 8,25%, thịt hộp và sản phẩm chế biến khác tăng 2,74%, nội tạng động vật tăng 9,26% và thậm chí mỡ ăn tăng đến 19,99%.
Với tình hình trên, người dân chuyển sang tiêu dùng các mặt hàng thay thế khác như thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản.
Tuy nhiên, bà Ngọc cho biết do thời điểm Giáng sinh và Tết Nguyên Đán cận kề nên các mặt hàng này cũng không giữ được giá ổn định. Trên thị trường, giá thịt bò đã tăng 2,04%, giá thịt gà tăng 3,46%, giá cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 1,12% - 1,55% và giá thủy sản chế biến tăng 1,11%.
“Trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao đã khiến giá cơm suất bình dân tăng 2,81%, giá nước uống ngoài gia đình tăng 0,25%,” bà Ngọc cho biết thêm.
Một điểm tích cực hỗ trợ điều tiết giá cả thị trường được bà Ngọc chỉ ra là nhờ thời tiết thuận lợi đồng thời nhiều loại rau vào vụ thu hoạch, nguồn cung trở nên dồi dào đã giúp các loại rau xanh có giá rẻ hơn. Cụ thể, giá bắp cải giảm 5,22%, su hào giảm 8,69%, cà chua giảm 8,34%, rau tươi khác giảm 1,84%. Và, một số hàng trái cây có múi như như cam, quýt, bưởi xuống giá khoảng 2,15%.
Báo cáo cũng cho thấy, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 cả nước ước đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018, điều này tác động đến giá thịt lợn và làm CPI chung tăng 0,83%. Ngoài ra, giá thực phẩm tăng làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,44% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,22%.
Bên cạnh đó, do diễn biến từ thị trường thế giới đã khiến giá xăng, dầu điều chỉnh tăng bình quân 1,27% so với tháng trước, tác động CPI chung tăng khoảng 0,05%.
Giá điện sinh hoạt tăng 8,38% so với 2018
Năm 2019 là một năm có nhiều diễn biến bất lợi về giá trong cả yếu tố điều tiết chính sách và thị trường.
Cụ thể, giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 20/3 theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương cộng thêm nhu cầu tiêu dùng điện tăng do thời tiết nắng nóng đã khiến giá điện sinh hoạt trong năm tăng 8,38% so với năm 2018.
Kế đến là việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về việc tăng học phí các cấp học. Chưa hết, từ tháng 4/2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo tăng giá sách giáo khoa năm học 2019 - 2020, lập tức sau đó chỉ số giá nhóm văn phòng phẩm tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.
Bồi thêm, giá dịch vụ y tế cũng điều chỉnh tăng theo Thông tư số 13/2019/TT - BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế và Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019, theo đó chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế đã tăng 4,65% và góp phần CPI chung tăng 0,18%.
Về yếu tố thị trường, nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào hai tháng đầu năm làm một số mặt hàng tiêu dùng thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ du lịch… đi lên.
Cụ thể, tính bình quân năm 2019 so với năm trước, giá thực phẩm tăng 5,08%, giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng khoảng 1,99%; quần áo may sẵn các loại tăng 1,70%, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,02%, giá du lịch trọn gói tăng 3,04%. Trong đó, mặt hàng thịt lợn bình quân năm 2019 tăng 11,79% là một trong những nguyên nhân chính làm CPI các tháng cuối năm tăng cao.
Ngoài ra, các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… cũng có xu hướng tăng và ước tính chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa so năm ngoái đã tăng 0,59%, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 3,01%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 1,25% và chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,31%.
Ngoài ra, bà Ngọc cho biết lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) của năm 2019 tăng 2,01% so với năm 2018.
“Việc lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và xăng dầu. Mức lạm phát cơ bản năm 2019 phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định,” bà Ngọc nhấn mạnh./.