Thông tin từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, năm 2018, với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam,” đã có 1.098 căn nhà an toàn chống bão lũ được xây dựng.
Ngoài ra, gần 200 ha rừng ngập mặn cũng đã được trồng và phục hồi; khoảng 11.000 cán bộ ở các cấp và người dân ở 100 xã được tập huấn về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại các vùng ven biển.
Trong năm 2019, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh xây dựng nhà an toàn chống bão lũ cho hơn 1.300 hộ dân tại các tỉnh ven biển; xây dựng hệ thống giám sát nhà an toàn chống bão lũ. Đồng thời phục hồi hơn 1.380 ha rừng ngập mặn cho 152 xã trên cả nước.
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ và với sự hỗ trợ của UNDP, được triển khai thực hiện trong 5 năm (2017-2021) tại các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau.
[Du lịch tàu biển Việt Nam: "Trâu chậm" học cách uống nước sạch]
Mục tiêu của dự án là tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam, thông qua nhà ở an toàn cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lụt ngày càng gia tăng.
Dự án cũng hướng tới tăng mạnh tỉ lệ che phủ rừng ngập mặn cung cấp khu đệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển; thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy giúp hướng dẫn lập kế hoạch được thông tin rủi ro và chống chịu với biến đổi khí hậu..
Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ áp dụng thông tin rủi ro thu thập từ các hoạt động của dự án và tiếp thu ý kiến các bên liên quan giúp Tổng cục Phòng chống thiên tai cải thiện công tác lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng cấp tỉnh; nghiên cứu sáng kiến tài chính để giải quyết tác động rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu kịp thời../.