Năm 2022: Ngành dân số chủ động và linh hoạt để vượt khó

Theo kế hoạch năm 2022, ngành dân số tiếp tục chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Năm 2022: Ngành dân số chủ động và linh hoạt để vượt khó ảnh 1Chất lượng dân số Việt Nam được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Năm 2021, công tác dân số đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây gián đoạn việc tổ chức các hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ dân số; nguồn kinh phí đầu tư bị cắt giảm; tổ chức bộ máy vẫn tiếp tục kiện toàn…

Trong bối cảnh khó khăn, ngành dân số tiếp tục nỗ lực vượt khó, cố gắng thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ kế hoạch được giao.

Nhiều khó khăn, hạn chế

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng, năm 2021 là năm đầu tiên ngành dân số thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, triển khai đồng bộ Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 6 chương trình, 4 đề án, 2 kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW (khóa XII) của Đảng.

Công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

[Công tác dân số góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội]

Báo cáo tổng kết công tác dân số năm 2021 cho thấy công tác dân số gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhất định. Các hoạt động tuyền thông và cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn, mức sinh có dấu hiệu tăng do bị tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Một số văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác dân số ban hành chậm, không đồng bộ. Kinh phí đầu tư bị cắt giảm sau khi kết thúc chương trình mục tiêu y tế-dân số (nguồn lực chính của công tác dân số). Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt trong năm 2021, tổ chức bộ máy làm công tác dân số vẫn còn nhiều biến động, nhiều địa phương tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy. Mô hình tuyến xã chưa thống nhất. Các Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình quận, huyện sáp nhập vào Trung tâm y tế đa chức năng gây tâm lý lo lắng rất lớn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và tác động tới hệ thống tổ chức của công tác dân số; ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được giao và hiệu quả công việc; đặc biệt trong chỉ đạo hướng dẫn từ trên xuống và báo cáo từ dưới lên.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, trong năm qua, tổ chức bộ máy làm công tác dân số từng bước được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cả ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên khi triển khai một số nơi thực hiện không đúng cách thức; lộ trình thực hiện chưa phù hợp nên tạo tâm lý lo lắng cho công chức, viên chức và cộng tác viên dân số cơ sở.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng cho biết năm 2021, công tác dân số chỉ đạt được 2/11 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là do nhiều hoạt động, chương trình không được tổ chức do tình hình dịch COVID-19 phức tạp; giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương…

Mặt khác, 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện phân cấp quản lý ngân sách, các hoạt động tại địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm, không còn kinh phí hỗ trợ từ trung ương. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng dự toán kinh phí hoạt động dân số tại nhiều địa phương.

Chủ động, linh hoạt để vượt khó khăn, thách thức

Theo kế hoạch năm 2022, ngành dân số tiếp tục chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Toàn ngành phấn đấu đạt được các chỉ tiêu như giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1con/phụ nữ; tuổi thọ trung bình đạt 73,8 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,4 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh đạt 55%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 60%...

Năm 2022: Ngành dân số chủ động và linh hoạt để vượt khó ảnh 2Chăm sóc trẻ sơ sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành dân số cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong đó mục tiêu quan trọng là hoàn thiện Luật Dân số trình cấp có thẩm quyền; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác dân số; đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động để thực hiện các chương trình, đề án đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để công tác dân số đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2022, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cần tập trung hoàn thiện Luật Dân số; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Dân số và việc thành lập Ủy ban quốc gia về dân số và phát triển; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan bố trí nguồn lực ngân sách chi hàng năm cho công tác dân số, đặc biệt là nguồn lực cho thực hiện 8 chương trình, đề án đã được phê duyệt…

Các Sở Y tế cần bố trí ngân sách cho công tác dân số địa phương; tranh thủ bố trí các nguồn lực khác cho công tác dân số; tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến huyện, xã; quan tâm và có nguồn lực động viên cho cán bộ dân số và cộng tác viên dân số thôn bản.

Các Sở Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông vận động để mọi người dân hiểu, thay đổi nhận thức về công tác dân số hiện nay là dân số và phát triển; thúc đẩy phong trào mỗi gia đình sinh đủ hai con; xử lý nghiêm những trường hợp lựa chọn giới tính khi sinh để nâng cao chất lượng dân số.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh các đơn vị cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt để triển khai các hoạt động thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ được giao; tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền các cấp để cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bởi công tác dân số không phải của riêng ngành dân số hay Bộ Y tế mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục