Năm 2023: Du lịch Hà Nội tạo đột phá bằng nhiều sản phẩm mới độc đáo

Năm 2023, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, du lịch sông Hồng, bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo.
Năm 2023: Du lịch Hà Nội tạo đột phá bằng nhiều sản phẩm mới độc đáo ảnh 1Du khách trải nghiệm du lịch quanh hồ Hoàn Kiếm bằng xíchlô. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Du lịch Hà Nội đón nhận tín hiệu tích cực mở đầu năm 2023 bằng số lượng khách đến Thủ đô dịp Tết dương lịch ấn tượng, đạt 208.000 lượt, trong đó có 38.000 lượt khách quốc tế.

Nối tiếp sự khởi sắc đó, năm nay, Hà Nội tạo đột phá trong phát triển du lịch bằng những sản phẩm mới, mang đặc trưng riêng nhằm thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế.

Thông tin này được Sở Du lịch Hà Nội cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023, tổ chức chiều 5/1.

Nhiều sản phẩm mới sẽ ra đời

Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, du lịch sông Hồng, bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo...

Hà Nội cũng thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế. Đây là dư địa nhiều tiềm năng, thời gian qua chưa được khai thác nhiều.

Sản phẩm du lịch đêm tiếp tục được làm mới bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang-Công viên Thống Nhất mang tính sáng tạo, giàu truyền thống văn hóa…; đưa tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam Vành đai 3 (quận Hoàng Mai) vào hoạt động.

Sở Du lịch Hà Nội hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.

Để bảo tồn, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với phát triển hoạt động du lịch, bà Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cho biết Trung tâm tập trung phát triển kinh tế đêm bằng sản phẩm tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" và các hoạt động phụ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Ngày 4/1, Trung tâm đã triển khai phiên bản cho khách quốc tế và phấn đấu phục vụ du khách vào các đêm trong tuần; đồng thời, tổ chức các sự kiện thường niên, gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thể tạo thành hoạt động, sự kiện mang thương hiệu như Lễ khai Xuân dịp Tết Nguyên đán, Tết Việt, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Cổ Loa…

[Thủ đô Hà Nội đón 18,7 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022]

Sở Du lịch Hà Nội cùng các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, Sở triển khai kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Năm 2023: Du lịch Hà Nội tạo đột phá bằng nhiều sản phẩm mới độc đáo ảnh 2Du khách quốc tế trải nghiệm không gian phố đi bộ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngoài ra, ngành Du lịch Thủ đô tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản-di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm Hà Nội đến Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Khu di tích-thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì.

Nỗ lực cho mục tiêu 22 triệu lượt khách

Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón khoảng 22 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6% so với năm 2022; trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp đôi so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, năm 2023 sẽ tạo bước tăng trưởng phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và chất lượng khách du lịch đảm bảo tính bền vững; phấn đấu năm nay, du lịch Hà Nội thực sự phục hồi, phát triển, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch Hà Nội là tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trong đó, quy hoạch hình thành các cụm, tuyến du lịch hoàn chỉnh, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cụm, tuyến du lịch đã được quy hoạch theo hướng chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo tính bền vững.

Bên cạnh việc hợp tác với các trọng điểm du lịch trong cả nước, Hà Nội tổ chức các hoạt động hợp tác, xúc tiến thu hút khách quốc tế tại các thị trường như: Đông Bắc Á, Pháp và một số nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ...

Sở Du lịch Hà Nội chủ động phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường như Hội chợ du lịch TOPRESA tại Pháp, Hội chợ xúc tiến du lịch JATA tại Nhật Bản… Đồng thời, thành phố thực hiện các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên CPTA, TPO, Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mekong-Lan Thương…

Nguồn nhân lực cũng là vấn đề đặt ra cho du lịch Thủ đô trong quá trình phục hồi, tăng trưởng sau một thời gian dài hoạt động bị đình trệ bởi đại dịch COVID-19. Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động phối hợp, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cả ba đội ngũ gồm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch) để thực sự chuyên nghiệp về nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng.

Sở áp dụng các tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch trong đào tạo, giảng dạy, tiến đến áp dụng các tiêu chuẩn nghề theo chuẩn quốc tế.

Cho rằng ngành gu lịch Thủ đô còn nhiều hạn chế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, ngành cần đổi mới, cơ cấu lại để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao với 3 khâu đột phá (tăng cường nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế khuyến khích; hỗ trợ phát triển du lịch và chuyển đổi số trong du lịch) nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục