Năm 2023 là một năm với nhiều dấu ấn đang ghi nhận của nền Kinh tế Số Việt Nam. Trong Báo cáo Tổng kết công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Kinh tế Số Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng.
Tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng Kinh tế số Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, cao hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao nhất trong khu vực (Theo Báo cáo thường niên Kinh tế Số của Google, Temasek, Bain & Company). Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỉ trọng Kinh tế Số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng Kinh tế Số nhanh nhất Đông Nam Á
Số lượng người dùng trên các Nền tảng Số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022. Năm 2023 có 64 ứng dụng, Nền tảng Số Việt Nam có số lượng người dùng thường xuyên hàng tháng trên 1 triệu với tổng số tài khoản người dùng là 376,7 triệu, trong đó 43 ứng dụng có từ 01 đến dưới 05 triệu tài khoản người dùng hàng tháng, 14 ứng dụng có từ 5 đến dưới 10 triệu tài khoản người dùng và 7 ứng dụng có trên 10 triệu tài khoản hoạt động mỗi tháng.
Việt Nam cũng nằm trong Top 6 các quốc gia có Nền tảng Số bản địa có số lượng người dùng hàng tháng (MAU) trên thị trường trong nước lớn nhất (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản).
Thời gian sử dụng trung bình nền tảng số Việt Nam vào khoảng 2,4 giờ/ngày. 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước thu hút được số lượng người dùng lớn ở Việt Nam là VneID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn, với tổng người dùng khoảng 65 triệu.
Số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx ước đạt 1.072.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng Nền tảng Số SMEdx ước đạt 197.000 doanh nghiệp (tăng gần 2,5 lần so với năm 2022).
Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Tổng số lượt tải ứng dụng trên thiết bị di động ước đạt 3,49 tỷ lượt.
Năm 2023 cũng là năm đột phá về Thanh toán Số khi các giao dịch thanh toán trên môi trường mạng tăng 66% về tổng số giao dịch và tăng 4% về giá trị giao dịch.
Theo Báo cáo Nền Kinh tế Số Đông Nam Á lần thứ 8 của Google, Temasek, Bain & Company, tỷ lệ áp dụng Thanh toán Số tại khu vực Đông Nam Á đạt 50%. Tại Việt Nam cũng đang thúc đẩy xu hướng này và trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về Thanh toán Số, tăng 19% từ năm 2022 đến năm 2023 và sẽ tiếp tục phát triển ở mức 13% CAGR trong giai đoạn 2023 - 2025.
Cũng theo báo cáo, các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền Kinh tế Số của Việt Nam bao gồm ngành Vận tải và Thực phẩm (Dịch vụ Giao đồ ăn) và Truyền thông Trực tuyến. Lĩnh vực này đã tăng trưởng 10% từ 2022 đến 2023, dự kiến CAGR tăng 16% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.
Lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam tăng 11% trong giai đoạn 2022 - 2023, dự kiến GMV sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng kép hàng năm tới 15% trong giai đoạn 2023 - 2025.
Kinh tế Số sẽ tăng trưởng gấp 3 lần GDP
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của lĩnh vực Kinh tế Số. Cụ thể, tổng doanh thu lĩnh vực Kinh tế Số nền tảng ước đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng Kinh tế Số nền tảng từ 20-25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần Kinh tế Số vào GDP đạt từ 19%-20%. Tỷ trọng Kinh tế Số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%.
Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng và trình ban hành Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Xây dựng Thông tư quy định về thiết lập, vận hành hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.
Đơn vị này sẽ dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai quy trình xét duyệt, công nhận, công bố Nền tảng Số Quốc gia/Nền tảng Số tiềm năng trở thành Nền tảng Số Quốc gia trong lĩnh vực Kinh tế Số và Xã hội Số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng định hướng đến năm 2025, Kinh tế Số sẽ chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% - 25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng Kinh tế Số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Để đạt mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) theo hướng bổ sung các nội dung mới về Kinh tế Số phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực; củng cố, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật tạo thuận lợi phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển Kinh tế Số; hỗ trợ, thúc đẩy phát triển Kinh tế Số ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, đệt may, logistics và sản xuất công nghiệp, tài chính, ngân hàng.../.