Những yếu tố giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển nền Kinh tế Số

Việt Nam cần đầu tư phát triển các ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cung cấp mạng Internet tốc độ cao (phổ cập 4G, phát triển 5G), xây dựng các trung tâm dữ liệu, công ty cung cấp mạng viễn thông.

Việt Nam dẫn đầu châu Á-TBD về tốc độ phát triển kỹ thuật số. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Việt Nam dẫn đầu châu Á-TBD về tốc độ phát triển kỹ thuật số. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Sự phát triển “thần tốc” của khoa học công nghệ đã tác động sâu sắc đến cách thức vận hành kinh tế chung của nhân loại trong thế kỷ 21, trong đó Kinh tế Số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia.

Trong xu thế này, việc Việt Nam phát triển Kinh tế Số, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo cơ hội bứt phá cho kinh tế đang là yêu cầu cấp thiết, như đã được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại London đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư-Tiến sỹ Yến Trần, Giảng viên về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Quốc tế tại Trường Kinh doanh Edinburgh, Đại học Heriot Watt và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh (VIS).

Phó Giáo sư Yến Trần nghiên cứu và giảng dạy về mô hình Chuyển đổi Số trong các doanh nghiệp, xây dựng năng lực chiến lược tổ chức để tiếp nhận công nghệ mới, cũng như năng lực tự phát triển công nghệ.

Phó Giáo sư Yến Trần nhận định Kinh tế Số là mô hình kinh tế của thời đại mới, khi công nghệ thông tin và Trí tuệ Nhân tạo (AI) trên thế giới đã phát triển vượt bậc, len lỏi vào cuộc sống của từng người dân và của toàn xã hội. Kinh tế Số đã không còn là sự lựa chọn, mà là đích đến của các quốc gia với những lộ trình riêng của từng nước.

Việt Nam nằm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhóm đang tăng tốc cả về chiến lược thúc đẩy chuyển đổi Kinh tế Số lẫn những nỗ lực đầu tư phát triển cho cuộc chuyển đổi này.

Phó Giáo sư Yến Trần cho rằng cần có nhận thức cơ bản và nắm được yếu tố cấu thành nền Kinh tế Số, để có hướng đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm và đề ra chiến lược cụ thể. Cụ thể, "Số hóa" là bước chuyển đổi các quy trình thông thường sang tự động bằng số hóa. Trong lĩnh vực này, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, do có sẵn đội ngũ kỹ sư trình độ kỹ thuật tốt.

Tiếp đến là "Vận hành Số," bước chuyển đổi phương thức hoạt động căn bản của hệ thống sang một chu trình vận hành mới theo số hóa, như thay vì trả tiền với nhân viên ở siêu thị thì tự động trả với máy.

Cuối cùng, bước cao nhất là "Chiến lược Tư duy," trong đó chuyển đổi cả hệ thống và ý thức hệ của tổ chức sang kiểu số hóa, chẳng hạn như lập ra những công ty mới dựa trên ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới, đột phá dựa trên nguyên lý và hạ tầng của số hóa, hoặc chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh hay vận hành dựa trên Tư duy Số (Chính phủ Số, trường học trực tuyến). Bước phát triển thứ ba cần sự đầu tư không chỉ về cơ sở kỹ thuật hạ tầng và năng lực công nghệ, mà còn cần đầu tư về nhân sự, năng lực quản lý Đổi mới Sáng tạo.

Theo Phó Giáo sư Yến Trần, với Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đang nỗ lực tập trung vào 3 trụ cột là Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số. Đây cũng là ưu tiên của các nước ASEAN đi trước trong Chuyển đổi Số, với tiêu chí gồm phổ cập toàn diện, hiệu quả năng suất và Đổi mới Sáng tạo.

Chuyên gia này chỉ ra rằng xây dựng Kinh tế Số cần 2 yếu tố cơ bản là kết nối thông minh và khai thác Dữ liệu Số. Kết nối cần xây dựng cơ sở hạ tầng tốc độ cao, thiết bị số với công nghệ cập nhật, phổ biến điện thoại thông minh và tăng tần suất truy cập mạng của toàn xã hội từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa rằng Việt Nam cần đầu tư ưu tiên phát triển các ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cung cấp mạng Internet tốc độ cao (phổ cập 4G, phát triển 5G), xây dựng các trung tâm dữ liệu, công ty cung cấp mạng viễn thông và các yếu tố công nghệ cấu thành quan trọng khác (tiến tới sử dụng robot, AI).

Hiện nay, Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác có tỷ lệ dùng điện thoại và Internet khá cao, đây là xu hướng tốt mà các ngành viễn thông cần khai thác cung cấp thiết bị và dịch vụ để tăng tỷ lệ nay cao hơn nữa.

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế năm 2022, ASEAN chiếm 60% tỷ lệ người dùng Internet trên thế giới. Đối với khai thác Dữ liệu Số, ngoài việc đầu tư kỹ thuật để thu thập và phân tích số liệu, việc ứng dụng và tạo ra giá trị mới đột phá từ Dữ liệu Số đòi hỏi sự đầu tư khuyến khích Đổi mới Sáng tạo thông qua khởi nghiệp và đầu tư đổi mới trong các doanh nghiệp.

Phó Giáo sư Yến Trần đã nêu bật các lĩnh vực mà Việt Nam hiện có thể ưu tiên để khai thác dữ liệu (Big data, AI) là ngành ngân hàng, với hỗ trợ công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm dịch vụ tài chính không cần thông qua chi nhánh ngân hàng (branchless banking), dịch vụ di chuyển (ride sharing), du lịch, truyền thông, chăm sóc sức khỏe, thành phố thông minh trên các mô hình kinh tế chia sẻ. Các ngành này đang có tiềm năng lớn cho các mô hình kinh doanh đột phá, nhắm vào đối tượng tiêu dùng chưa khai thác.

vien-thong-4547.jpg
(Ảnh: Viettel)

Theo báo cáo năm 2018 của Công ty Temasek, năm 2018, nền Kinh tế Internet của Việt Nam mới chiếm 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dự đoán đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 25%.

Báo cáo năm 2019 của WeAreSocial và Hootsuite cho thấy Việt Nam có tỷ lệ người dân truy cập Internet qua điện thoại là 48%, trong đó 62% truy cập để dùng mạng xã hội, chỉ có 10% truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến và rất nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng. Theo đó, mô hình kinh tế chia sẻ có thể kích thích cung cầu, để thúc đẩy phát triển toàn diện nền kinh tế.

Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy việc kết nối Internet và ứng dụng số hóa trong các doanh nghiệp Việt Nam đã giúp tăng năng suất, hiệu quả hoạt động.

Trong nền Kinh tế Số, một trong những yêu cầu cần thiết là người dân sở hữu và có kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh; song trên thực tế, không phải tất cả người dân đều đủ khả năng tài chính để sở hữu.

Do vậy, Phó Giáo sư Yến Trần cho rằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ phát triển sản phẩm điện thoại thông minh phục vụ tất cả các phân khúc của thị trường, để phổ cập điện thoại thông minh đến từng người dân là rất quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho việc phát triển Kinh tế Số.

Với sự hỗ trợ ưu tiên của chính phủ, nhiều doanh nghiệp điện thoại của các nước ASEAN đã tự sản xuất được điện thoại thông minh với chi phí giảm đáng kể. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể khuyến khích các nhà phân phối bán điện thoại thông minh trả góp với ưu đãi, hay các chương trình khuyến mãi thưởng điện thoại thông minh tại các cuộc thi liên quan đến Kinh tế Số.

Trên thực tế, báo cáo năm 2019 của WeAreSocial và Hootsuite cho thấy Việt Nam có tỷ lệ dùng Internet qua điện thoại ngày càng tăng (đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, sau Indonesia và Philippines), phản ánh mức độ phổ cập điện thoại đi đầu trong khu vực.

Về phía doanh nghiệp, nền Kinh tế Số mang lại nhiều cơ hội tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và hợp tác trong các dự án sản xuất chung. Trên cơ sở đó, Phó Giáo sư Yến Trần nhấn mạnh doanh nghiệp cần tăng tốc Chuyển đổi Số và tham gia nhiều vào nền Kinh tế Số càng sớm càng tốt. Cụ thể, doanh nghiệp cần nhìn nhận lại bản chất ngành nghề và mô hình hoạt động, điều chỉnh mô hình hoạt động kinh doanh theo hướng số hóa, thậm chí có thể chuyển hẳn sang mô hình kinh doanh mới hoàn toàn.

Phó Giáo sư Yến Trần chia sẻ để làm được điều này, doanh nghiệp ở các nước phương Tây thường tái cơ cấu doanh nghiệp, kiến thiết theo hướng vừa duy trì mô hình hoạt động hiệu quả sẵn có dựa trên năng lực cốt lõi, đồng thời phân bổ thêm nguồn lực thành lập bộ phận mới, để thử nghiệm công nghệ, các ứng dụng hay mô hình kinh doanh số mới nhằm chủ động thích ứng nêu có sự thay đổi đột biến.

Do vậy, doanh nghiệp cần nâng cao phát triển năng lực công nghệ và Đổi mới Sáng tạo mang tầm chiến lược và lãnh đạo doanh nghiệp cần có tầm nhìn quan sát rộng và sự điều phối cân xứng về nguồn lực phân bổ.

Ngoài ra, việc phát triển hiệu quả hệ thống sinh thái sáng tạo đổi mới về Kinh tế Số nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức, nguồn lực, tạo ra giá trị chung, kết nối với trung tâm tài chính, hay hệ thống sinh thái khởi nghiệp... là rất cần thiết để cùng phát triển năng lực Đổi mới Sáng tạo.

Ngoài ra, để đi tắt đón đầu, theo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển khác, Việt Nam cần sẵn sàng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đồng thời phải phát triển năng lực công nghệ, đầu tư nhân sự có năng lực phát triển kinh doanh và năng lực quản lý Đổi mới Sáng tạo.

Theo Phó Giáo sư Yến Trần, một trong những nguồn lực quan trọng, giúp bớt phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, đó là thu hút chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài quay về nước khởi nghiệp, bao gồm cả các chuyên gia công nghệ và nhà khoa học ở các nước tiên tiến, tổ chức đầu tàu. Đây là nguồn nhân sự quý giá, có tâm huyết, hiểu văn hóa hai bên với kiến thức tân tiến nhất và kinh nghiệm thực tiễn nhất, là cầu nối để Việt Nam tiếp cận nguồn lực của các nước phát triển một cách nhanh chóng.

Chính phủ cần sẵn sàng cho việc thay thế, chuyển đổi nguồn lao động cho các ngành sẽ không tồn tại và đón đầu các ngành mới nổi. Đây là yếu tố giúp Việt Nam phát triển cân bằng và bền vững.

Bên cạnh các tiềm năng to lớn, việc phát triển Kinh tế Số cũng đặt ra các yêu cầu rất cao về yếu tố an ninh, an toàn trong bảo đảm giao dịch trên không gian mạng, trong đó các rủi ro như lộ thông tin cá nhân, lừa đảo qua mạng hay bị tin tặc tấn công, tống tiền đã không còn xa lạ trong bối cảnh hiện nay.

ngan-hang-so-8022.jpg
Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng mạnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phó Giáo sư Yến Trần khẳng định mạng Internet đóng vai trò quan trọng trong hạ tầng của nền Kinh tế Số, cần được đầu tư phát triển đảm bảo 3 tiêu chí là kết nối, chi phí phù hợp và truy cập mở nhưng an toàn. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện Luật An ninh Mạng, tăng cường năng lực thực thi Luật An ninh Mạng và đào tạo nhân lực an ninh mạng để phòng và xử lý các trường hợp lừa đảo, lộ lọt thông tin cá nhân.

Theo chuyên gia, việc giáo dục và nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của an ninh số và bảo vệ thông tin cá nhân cần được thực hiện cực kỳ nghiêm túc kèm theo chế tài nghiêm khắc, chặt chẽ.

Hiện nay, các nước châu Âu có luật về thông tin cá nhân rất chặt chẽ và rõ ràng. Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR) có hiệu lực năm 2018 đã quy định rõ việc các doanh nghiệp phải sử dụng thông tin một cách hợp lý và minh bạch.

Theo chuyên gia, vấn đề rủi ro mạng và bảo vệ thông tin cá nhân cần được giáo dục để người dân có ý thức về quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến thông tin số và đưa vào quy định của doanh nghiệp để điều tiết hoạt động, đảm bảo minh bạch, công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.