Nắm bắt quy định gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU

Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.
Nắm bắt quy định gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU ảnh 1Sản phẩm thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại EU.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định bắt buộc để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

Bộ Công Thương cho biết dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động thương mại và đầu tư của thế giới cũng như Việt Nam.

Vì vậy, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp.

Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức từ 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.

[Nhiều DN nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế EVFTA]

Đơn cử như với rau quả, trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực mặt hàng này xuất khẩu vào EU được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10-20%.

Thế nhưng, kể từ khi EVFTA đi vào thực thi, mặt hàng rau quả và gia vị lại nằm trong top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan, có khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%; trong đó, có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, dù có nhiều lợi thế nhưng đến nay thị phần rau, quả của Việt Nam tại thị trường EU mới chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường châu Âu.

Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng cơ cấu giữa các mặt hàng chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của rau, quả và gia vị xuất khẩu của các doanh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu.

Hơn nữa, mặc dù EU là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng là thị trường đòi hỏi các yêu cầu khắt khe và có tập quán thương mại đặc thù.

Chẳng hạn như gần đây, EU sửa đổi quy định về mức dư lượng tối đa đối với flutianil trong và trên một số sản phẩm nhất định.

Ngày 7/4/2022 Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định số (EU) 2022/566 sửa đổi phụ lục II của Quy định (EC) số 396/2005 về mức dư lượng tối đa đối với flutianil trong hoặc trên các sản phẩm nhất định như trái cây tươi và đông lạnh, các loại hạt; rau tươi và đông lạnh; dầu và trái cây có dầu; trà, càphê, thảo dược và cacao; các loại gia vị; các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Kế đó, ngày 12/4/2022, EU đã ban hành Quy định số (EU) 2022/617 về việc sửa đổi quy định (EC) số 1881/2006 về mức thủy ngân tối đa trong cá và muối.

Theo đó, hàm lượng thủy ngân trong cá từ mức 0,3 đến 1,0 - tùy thuộc vào loại cá và hàm lượng thủy ngân trong muối ở mức 0,1.

Ngày 13/4, Ủy ban châu Âu ban hành Quy định (EU) 2022/634 sửa đổi Quy định (EU) 37/2010 liên quan đến việc phân loại chất bambermycin và giới hạn dư lượng tối đa của nó trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Ngày 20/4, Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định số (EU) 2022/650 về việc sửa đổi Phụ lục của Quy định (EU) 231/2012 quy định các thông số kỹ thuật cho các chất phụ gia thực phẩm được liệt kê trong Phụ lục II và III của Quy định (EC) số 1333/2008 liên quan đến thông số kỹ thuật đối với natri diacetate (E262).

Đây là những quy định doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang EU cần nắm bắt để đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.

Chính vì vậy, doanh nghiệp giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kể cả quy cách đóng gói, bao bì, thông tin sản phẩm; tuân thủ các yêu cầu về cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung.

Cùng đó, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.