Nam Bộ sẽ chuyển đổi trên 126.000ha đất lúa kém hiệu quả

Toàn vùng Nam bộ có kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa với 126.333ha; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long 124.526ha, vùng Đông Nam Bộ 1.807ha.
Thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn vùng Nam bộ có kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa với 126.333ha; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long 124.526ha, vùng Đông Nam Bộ 1.807ha.

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 các tỉnh Nam Bộ đạt 32.840ha; trong đó Đồng bằng Sông Cửu Long đạt 30.990ha, Đông Nam Bộ đạt 1.850ha.

Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày như ngô, lạc, đậu tương, vừng, rau đậu các loại… và cây ăn quả như cam, bưởi, xoài, thanh long…

Một số diện tích chuyển đổi trên đất lúa sang cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng… đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao.

[Nông dân vùng ngập lũ thu hoạch dứt điểm vụ lúa Đông Xuân]

Theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã giúp đa dạng hóa sản phẩm, phần lớn các cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều vùng, việc chuyển đổi đã giúp tiết kiệm nước tưới, đặc biệt trong điều kiện hạn hán ngày càng gia tăng. Việc luân canh cây trồng cũng giúp cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh.

Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch tập trung chi tiết cho vùng chuyển đổi đất lúa nên chưa xây dựng được hệ thống thủy lợi tưới, tiêu phù hợp. Một số cây trồng cạn chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh yếu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ giới hóa khó khăn, chi phí lao động và vật tư đầu vào tăng, giá thành sản xuất cao.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, do vậy đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ.

Nhiều địa phương, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa mạnh. Nông dân còn quen với tập quán sản xuất lúa và thiếu lao động nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.