Nam Định: Làm giàu từ nghề nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt

Nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã giúp nhiều hộ dân nơi đây vươn lên làm giàu từ nghề này.
Nuôi ong lấy mật. (Nguồn: TTXVN)

Vườn quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định có diện tích tự nhiên 7.100ha được bao quanh bởi những cánh rừng sú vẹt.

Hàng năm cứ đến mùa hoa sú vẹt nở, những người nuôi ong từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước lại đưa đàn ong về đây lấy mật.

Nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt cho hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ nghề này.

Cả năm rong ruổi đưa đàn ong đi khắp nơi để tìm mật, từ tháng 5 đến tháng 8 khi rừng sú vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy nở hoa, ông Vũ Tiến Thành ở huyện Giao Thủy mới được chăm sóc đàn ong trên chính mảnh đất quê hương mình.

Ông Thành vừa đưa hơn 400 đàn ong của gia đình từ Đắk Lắk về được 2 tuần. Mùa hoa sú vẹt năm nay, ông Thành đặt những thùng ong tại con trạch rộng ngay trong vùng lõi Vườn quốc gia để ong lấy mật hiệu quả nhất.

Theo ông Thành, sú vẹt là loại cây mọc ở ven biển, hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên ngoài đặc điểm sạch, thơm, mật ong hoa sú vẹt còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Khi lấy mật ong, để tránh bị đốt người thợ phải bịt kín mặt mũi, chân tay. Sau đó hun khói vào từng cầu để ong di chuyển sang cầu khác.

[Mật ong bạc hà: Sản vật vừa quen vừa lạ từ cao nguyên đá Hà Giang]

Hiện với đàn ong hơn 400 thùng, mỗi lần lấy mật gia đình ông Thành thu được gần 400kg mật.

Toàn bộ số mật này đều được các thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua. Với giá từ 60.000-80.000 đồng/1kg, trừ chi phí, ông Thành lãi từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Ông Thành cho biết, nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó.

Người nuôi phải hiểu đặc tính của loài ong, nắm vững thông tin về các vụ hoa, mùa hoa nở trong năm ở các vùng, miền để di chuyển đàn ong đến lấy mật.

Cách nơi đặt đàn ong của gia đình ông Thành hơn 1km, ông Vũ Văn Giang, trú tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường (Nam Định) đang cần mẫn bỏ từng cục hỗn hợp sirô đường vào máng để trên xà cầu cho ong ăn.

Do đàn ong mới chuyển về vùng này, hơn nữa hoa sú vẹt chưa vào mùa nở rộ nên phải cho ong ăn bổ sung để duy trì và giúp đàn ong phát triển.

Ông Giang chia sẻ, cách đây 3-4 năm, gia đình ông có trên 1.000 đàn ong nhưng thời điểm này chỉ còn 300 đàn vì không có người chăm sóc ong.

Mùa hoa sú vẹt nở là thời điểm ông và những người nuôi ong tại đây thu lợi nhuận cao.

Mật ong rừng sú vẹt thường được người dân ví là “mật của biển,” là thức uống bổ dưỡng, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường ruột, suy nhược cơ thể, giảm mỏi mệt nên nhiều người tin dùng. Nhờ nghề nuôi ong lấy mật, cuộc sống gia đình ông khá giả hơn trước.

Ông Giang tâm sự, công việc hàng ngày của người nuôi ong là thường xuyên kiểm tra từng thùng xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết. Vào thời gian ong luyện mật, thường xuyên đảo cầu để mật lên đều.

"Mọi sự thay đổi về thời tiết sẽ ảnh hưởng đến lượng thức ăn của ong. Tuy vậy, khó khăn, vất vả đối với nghề nuôi ong không chỉ ở sự rủi ro về thời tiết mà còn có nhiều nguyên nhân từ con người bởi đã từng có nhiều đàn ong bị xóa sổ hoàn toàn do hút phải mật hoa bị nhiễm hóa chất thuốc trừ sâu," ông Giang nói.

Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy cho hay, được thiên nhiên ưu đãi, thảm thực vật phong phú, Vườn quốc gia Xuân Thủy có nguồn thức ăn dồi dào, thuận lợi cho nghề nuôi ong mật phát triển.

Hàng năm, cứ vào mùa hoa sú vẹt, nhiều người đưa đàn ong đến đây lấy mật. Nguồn thức ăn tại đây hoàn toàn tự nhiên nên mật ong sú vẹt rất an toàn, được thị trường ưa chuộng.

Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng thương hiệu mật ong sú vẹt để sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng biết đến, có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người nuôi ong trong vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục