Nam Định phấn đấu là trung tâm kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng

Nam Định cần đầu tư các vùng nông nghiệp công nghệ cao, các vùng chuyên canh nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nam Định phấn đấu là trung tâm kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng ảnh 1Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX sáng 23/9. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Sáng 23/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc.

Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng 350 đại biểu đại diện cho trên 10 vạn đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh Nam Định.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Phạm Quang Nghị ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ tỉnh Nam Định trong nhiệm kỳ qua đã vượt qua khó khăn thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Ông Phạm Quang Nghị lưu ý, Đảng bộ tỉnh Nam Định cần liên hệ với tình hình thực tế ở địa phương, thảo luận chỉ ra nguyên nhân những hạn chế, yếu kém, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục.

Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bước đột phá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, xây dựng Nam Định thành một trong những trung tâm kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh Nam Định cần đầu tư xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn theo mô hình trang trại, cánh đồng mẫu lớn; phối hợp, liên kết chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có nền công nghiệp phát triển nhanh theo hướng hiện đại, tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư, đưa công nghiệp trở thành ngành chủ lực; ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, làng nghề, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Nam Định cũng cần phát triển mạnh, đa dạng hóa dịch vụ, nhất là mạng lưới phân phối hàng tiêu hóa, tiêu thụ sản phẩm, gắn kết thị trường của tỉnh với các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng; phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử như khu di tích văn hóa Nhà Trần, Vườn Quốc gia Xuân Thủy…

Đảng bộ tỉnh cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện bè phái, cục bộ, địa phương, vi phạm dân chủ; tích cực phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tại Đại hội, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XVIII nêu rõ, trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu.

Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 1994) bình quân đạt 12,5%/năm, cao hơn mức bình quân của thời kỳ 2006-2010. Cơ cấu kinh tế theo ngành và lĩnh vực tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tổng sản phẩm trong tỉnh gấp 2,5 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 2,74 lần; giá trị sản xuất công nghiệp gấp hơn 2,7 lần so với nhiệm kỳ trước. Nam Định là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới..

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Nam Định đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) tăng bình quân 7,5-8%/năm. Năm 2020, Nam Định phấn đấu đạt tiêu chí của tỉnh nông thôn mới. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 70-75 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản 18%; công nghiệp, xây dựng 47%; dịch vụ 35%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.500-6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 1-1,5% (theo tiêu chí mới)...

Đảng bộ tỉnh Nam Định xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là triển khai toàn diện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp như dệt, may, cơ khí chế tạo, điện, chế biến thực phẩm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách.

Tỉnh cũng chủ động thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng ven biển, phấn đấu có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; huy động các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; phát huy thế mạnh về văn hóa, giáo dục; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh Nam Định thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng góp phần giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, tạo đồng thuận xã hội; tập trung xây dựng, chính đốn Đảng, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng góp phần giữ nghiêm kỷ cương của Đảng...

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX diễn ra đến ngày 25/9./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục