Năm Gà và ước vọng đại cát trong năm mới của người Việt

Hình ảnh con gà trong văn hóa của người Việt cũng được xếp vào hàng những con vật gần gũi nhưng hết sức quan trọng trong đời sống, nhất là chú gà trống - hình ảnh thường gắn với sự may mắn, tốt lành.
Gà Đông Tảo rất được người dân ưa chuộng (Nguồn: TTXVN)

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp để người thân trong mỗi gia đình sum vầy sau một năm lo toan cho cuộc sống.

Ngày Tết mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất với mong muốn có một cuộc sống sung túc, nhiều may mắn hơn những năm trước. 

Năm 2017, người Việt Nam đón Tết Nguyên đán Đinh Đậu, tức là tết con Gà trong 12 con giáp. Hình ảnh con gà trong văn hóa của người Việt cũng được xếp vào hàng những con vật gần gũi nhưng hết sức quan trọng trong đời sống của cư dân nông nghiệp, nhất là chú gà trống - hình ảnh thường gắn với sự may mắn, tốt lành.

Hình ảnh tượng trưng cho bậc quân tử 

Gà Hồ (linh kê) - một giống gà quý của dân tộc đang được bảo tồn và phát triển ở làng Hồ (Lạc Thổ) thuộc huyện Thuận Thành - Bắc Ninh cũng đã được bạn bè quốc tế biết đến khi được chọn làm linh vật cho Đại hội thể thao trong nhà châu Á (Asian Indoor Games) mà Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2009...

Các bậc cao niên từ xưa đã cho rằng chú gà Hồ nổi tiếng của vùng đất Kinh Bắc với dáng vẻ hùng dũng là hình ảnh tượng trưng cho 5 đức tính của bậc quân tử với đủ phẩm chất văn, võ, dũng, nhân, tín. Trong đó cái mào đỏ của gà trống tựa như chiếc mũ cánh chuồn ​- tượng trưng cho văn; chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để chọi - tượng trưng cho võ.

Khi thấy địch thủ, gà trống dũng cảm xông vào chiến đấu đến cùng ​- biểu thị của dũng; kiếm được mồi cùng gọi nhau ăn - biểu thị của nhân. Hàng ngày, gà trống gáy đánh thức mọi người đúng giờ - biểu thị của tín. 

Ngoài gà Hồ, Việt Nam còn có nhiều loại gà quý hiếm được dùng để tiến vua khi xưa. Có thể kể đến gà Đông Tảo (Đ ông Cảo) do dân làng Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tuyển chọn, thuần dưỡng từ lâu đời do giống này khá khó nuôi. Tương truyền đây là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa thời xưa.

Ngoài ra còn có gà Mía gắn với vùng đất cổ Đường Lâm (Hà Nội), được dùng làm lễ vật dâng thần thánh, cung tiến vua chúa ngày xưa.

Ngày nay gà Mía đã trở thành món ăn, nét văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương. Ngày nay, người dân cũng ưa chuộng loại gà chín cựa, gà Hmông, gà tre...

Tết Nguyên đán năm nay là năm Đinh Dậu nên nhiều người truyền nhau thông tin cho rằng không nên cúng giao thừa bằng gà trống như những năm khác mà thay bằng thịt lợn. Về điểm này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, văn hóa Việt coi gà trống là con vật hội tụ đủ 5 đức tính của bậc quân tử. Do đó gà trống được chọn để bày lên mâm cỗ cúng chứ không phải gà mái.

Thêm vào đó, từ xưa tới nay, các cụ vẫn cho rằng đêm giao thừa (trừ tịch) là đêm trời đất tối tăm nhất, mặt trời ẩn mình sâu nhất. Khi cúng gà trống sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho mặt đất, mang lại mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi cho cư dân nông nghiệp, cũng đồng nghĩa với một năm no đủ... Nếu chọn đồ cúng khác thay cho gà để cúng giao thừa thì ý nghĩa văn hóa của việc này sẽ không còn nữa.

Đón xuân tốt lành

Tết năm Gà không thể không nói đến hình ảnh con gà trong dòng tranh dân gian Đông Hồ mà tiêu biểu nhất là cặp tranh gà "Đại cát - Nghinh xuân" nghĩa là đón xuân tốt lành. Trong tiếng Hán, gà trống (đại kê) phát âm gần giống với chữ đại cát.

Trong thuyết Âm dương ngũ hành, đại cát là một quẻ bói tốt lành nhất cho công việc hoặc tương lai của con người. Thế nên trong bức tranh gà, hai chữ đại cát chính là lời chúc tốt lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân.

Cặp tranh "Đại cát - Nginh xuân" vẽ 2 chú gà trống đối xứng nhau, trong bức Đạt cát chú gà đi về bên phải, còn bức Nghinh xuân thì đi hướng ngược lại. Trong tranh, hai chú gà trống đang thì trổ mã bước đi với dáng vẻ no nê, tràn đầy sức sống, lông đuôi tua tủa nhiều màu sắc như cỏ hoa xuân trước gió, cánh xòe với hàng lông đẹp... trên nền vàng.

Hình ảnh của chú gà trống đẹp đó được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng của dân tộc, mỗi con người. Hình ảnh chú gà này còn được lặp lại ở nhiều bức tranh Đông Hồ khác như lời chúc tụng tốt lành, ước vọng về một cuộc sống may mắn, no đủ.

Đáng chú ý là phần chữ Hán (Đại cát - Nghinh xuân) và hoa văn trang trí chiếm một nửa bức tranh, ở ngay trên các chú gà. Đó là dụng ý của người vẽ bức tranh, muốn nhấn mạnh ước vọng của người nông dân trong xã hội nông nghiệp dịp năm mới được thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, mưa thuận gió hòa, con đàn cháu đống mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn...

Đó cũng là những lời chúc mà người Việt Nam hay dành để chúc tụng nhau trong dịp đầu xuân năm mới, những mong ước rấ bình dị, sát thực tế cuộc sống của người nông dân. 

Trong dân gian, nhân dân ta quan niệm tiếng gà gáy xua tan tà ma, mang tới may mắn. Điều này cũng được thể hiện trong cặp tranh Đông Hồ “ Gà dạ xướng, nhật minh” và Dạ xướng ng̣ũ canh hoà” cũng được bố trí đối xứng như cặp “Đại cát - Nghinh xuân.”

Bức “Gà dạ xướng, nhật minh” (Đêm gáy năm canh đều đặn) vẽ một chú gà trống đứng co một chân, tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã được cách điệu rất đẹp. Tranh này có dụng ý nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù mưa nắng gió rét cũng không bao giờ sai.

Ở tranh còn lại “Nhật minh tam tác thụy” (Ngày mang tới ba điều lành) vẫn là chú gà trống đó quay trở lại cùng với ánh sáng chan hòa, xua tan bóng tối, đẩy lùi ma quỷ, mang lại điều tốt lành cho mọi người.

Tranh dân gian Đông Hồ vẽ không nhiều gà mái và hình ảnh mẹ gà thường là biểu thị cho sự sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống và ước mong về gia đình hạnh phúc, no đủ. Trong đó nổi tiếng nhất là bức “Mẹ con đàn gà” với gà mẹ và 10 chú gà con; tranh gia đình gà...

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng, nhất là với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng trong, con gà thường được đứng trang trọng ở trước điện thờ tiên thánh.

Tín ngưỡng này cũng được biết đến với các giá chầu, trong đí có một giá chầu liên quan đến gà đó là giá chầu “Cô Chín”.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục