Năm lý do chính khiến Trung Quốc không nên 'thu mình' lại

Mặc dù đạt thỏa thuận tạm dừng cuộc chiến thương mại trong 90 ngày, song căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao. Tuy cả hai nước “thu mình” lại, song có 5 lý do khiến họ không nên làm như vậy.
Năm lý do chính khiến Trung Quốc không nên 'thu mình' lại ảnh 1(Nguồn: Sputnik International)

Theo mạng tin project-syndicate.org, mặc dù đã đạt được thỏa thuận tạm dừng cuộc chiến thương mại trong 90 ngày, song căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn còn ở mức cao.

Tuy cả hai nước có thể sẽ “thu mình” lại, song có 5 lý do khiến họ tốt hơn hết không nên làm như vậy.

Trên thực tế, cả Trung Quốc và Mỹ có vẻ như sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm 4% GDP của nước này, và giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chỉ chiếm 1% GDP.

Tại Mỹ, với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa, các con số này lần lượt là 1% và 3%. Tuy nhiên, bỏ qua những con số nói trên, nếu cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này rút khỏi tiến trình toàn cầu hóa sẽ dẫn tới những hậu quả lớn.

Trung Quốc đã cân bằng được nền kinh tế, không phải phụ thuộc vào xuất khẩu: nhu cầu tiêu dùng nội địa đã đóng góp tới hơn 60% tăng trưởng GDP trong 10 trên tổng số 15 quý kể từ năm 2015, và lên tới 80% trong nửa đầu năm 2018.

Trong nhiều lĩnh vực tiêu dùng, Trung Quốc hiện trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Trong quý I/2018, về lĩnh vực phim ảnh, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành quốc gia có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới.

Hiện nước này đang chiếm tới 30% tổng doanh thu bán ô tô trên toàn cầu và 42% giá trị giao dịch thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu.

Năm 2008, xuất khẩu ròng của Trung Quốc chiếm 8% GDP của nước này, song đến năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 1,7%, ít hơn cả Đức và Hàn Quốc - nơi xuất khẩu ròng lần lượt chiếm 5% và 8% GDP.

Sau giai đoạn Trung Quốc liên tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng của toàn cầu, dường như hiện nay chương trình mở cửa của nước này đang dần mất đà.

Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, nước này đã cắt giảm một nửa thuế xuất nhập khẩu, xuống chỉ còn 8% năm 2008.

Tuy nhiên, đến năm 2016, Trung Quốc lại nâng thuế quan lên mức 9,6% - gấp đôi mức trung bình của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, những rào cản của Trung Quốc đối với các dòng chảy vốn nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao.

Chính phủ Bắc Kinh dường như đang thúc đẩy sự phát triển của các công ty trong nước, đặc biệt là trong kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025.”


[Căng thẳng Mỹ-Trung: Câu chuyện kinh tế hay an ninh?]

Dù vậy, những xu thế này không nhất thiết có nghĩa rằng Trung Quốc đang “đóng cửa” với thế giới. Trên thực tế, có 5 lý do giải thích tại sao một Trung Quốc ngày càng tăng cường “tự cấp tự túc” là điều không thể.

Đầu tiên, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Trong giai đoạn 2011-2016, một nửa trong tổng số công nghệ nhập khẩu của nước này đến từ 3 quốc gia: Mỹ (27%), Nhật Bản (17%) và Đức (11%).

Điều quan trọng hơn là những con số này hầu như không có sự dịch chuyển trong suốt 20 năm qua, bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy những phát minh ở trong nước.

Thứ hai, nếu Trung Quốc “đóng cửa” với thế giới, điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của các nước láng giềng, từ đó dẫn tới bất ổn ngay tại khu vực sát vách với nước này.

Ví dụ, theo một phân tích gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Malaysia, Singapore và Hàn Quốc có thể mất từ 0,5-1,5% GDP mỗi nước nếu thương mại Mỹ-Trung suy giảm.

Điều này sẽ khiến tham vọng của Trung Quốc trở thành “mỏ neo” thương mại của khu vực bị ảnh hưởng.

Thứ ba, nếu “thu mình” lại, Trung Quốc sẽ bỏ lỡ nhiều khoản đầu tư và những tri thức quan trọng của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc.

Năm 2015, có 481.000 doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc (gấp đôi năm 2000), sử dụng khoảng 14 triệu lao động.

Khoảng 40% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được sản xuất bởi các công ty nước ngoài, hoặc các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Hơn nữa, các công ty nước ngoài sản xuất tới 87% sản lượng điện của Trung Quốc, và 59% máy móc của nước này.

Không phải ngẫu nhiên mà đây lại là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc tranh chấp thương mại hiện nay.

Một nghiên cứu do Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc tiến hành đã làm tăng thêm lo ngại về tác động của căng thẳng thương mại ngày càng leo thang đối với đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.

31% các công ty Mỹ nói rằng họ có thể sẽ trì hoãn hoặc hủy bỏ các quyết định đầu tư vào Trung Quốc, 18% cho biết họ có thể sẽ tìm những địa điểm mới cho một số hoặc toàn bộ các cơ sở sản xuất của họ ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, và 3% có thể sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Thứ tư, suy giảm thương mại có thể sẽ hủy hoại động lực cải cách mà Trung Quốc đang cần để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế trong nước.

Ví dụ, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra một hệ thống tài chính có khả năng quản lý những rủi ro liên quan tới mức nợ cao sẽ không thành công nếu nước này buộc phải cung cấp thêm tài chính cho nền kinh tế để bù lại phần thiếu hụt do suy giảm thương mại gây ra.

Tương tự, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả của Trung Quốc đang cần được “đại tu”, đây là một phần trong chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy khả năng sản xuất.

Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Trung Quốc chịu nhiều sức ép, những nỗ lực này có thể sẽ bị trì hoãn do lo ngại bị mất nhiều việc làm.

Cuối cùng, có nhiều bằng chứng cho thấy các hoạt động mang tính chất liên kết toàn cầu có lợi cho tăng trưởng. Viện Toàn cầu McKinsey cho biết dòng chảy hàng hóa, vốn, dịch vụ, nhân lực và dữ liệu trên toàn cầu trong thập kỷ qua đã giúp thúc đẩy GDP toàn cầu lên khoảng 10%.

Việc đảo ngược chính sách mở cửa của Trung Quốc sẽ không chỉ gây tổn hại tới Trung Quốc, mà còn tác động xấu tới toàn cầu - bao gồm cả Mỹ.

Không được tiếp cận với thị trường, dòng chảy vốn, hàng xuất khẩu và nhân tài của Trung Quốc sẽ khiến giá cả trên thế giới tăng cao và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, trong khi lợi ích của việc giảm mức độ cạnh tranh với các ngành công nghiệp Mỹ vẫn còn chưa rõ.

Việc “thu mình lại” có thể sẽ hấp dẫn đối với Trung Quốc, tuy nhiên, cái giá phải trả về mặt kinh tế sẽ rất lớn. Nhiều người đang hy vọng rằng thỏa thuận “ngừng chiến” thương mại trong 90 ngày sẽ kéo dài hơn nữa, và Mỹ-Trung sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại vĩnh viễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.