Năm nước thành viên ASEAN tìm cách giải quyết ô nhiễm khói mù

Quan chức môi trường và biến đổi khí hậu Malaysia cảnh báo tình trạng khói mù có thể trở nên nghiêm trọng hơn do thời tiết khô nóng vào giữa năm 2023.
Năm nước thành viên ASEAN tìm cách giải quyết ô nhiễm khói mù ảnh 1Khói mù bao trùm thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 18/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện năm quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp tại Singapore để giải quyết tình trạng khói mù xuyên biên giới.

Cuộc họp với sự tham gia của các bên Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Thái Lan dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 7-8/6 tới. Đây là cuộc họp lần thứ 24, kể từ khi Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được ký kết vào năm 2002.

Tình trạng khói mù có thể trở nên nghiêm trọng hơn do thời tiết khô nóng vào giữa năm 2023, Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad cho biết.

Từ đầu năm nay, tình trạng khói mù đã xảy ra tại một số khu vực miền Bắc Thái Lan, Lào và Myanmar.

Tháng Tư vừa qua tại Thái Lan, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại miền Bắc nước này đã khiến thành phố lịch sử Chiang Mai chìm trong khói mù dày đặc, gây lo ngại về sức khỏe của người dân cũng như tác động đến du lịch - lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.

Theo nền tảng giám sát không khí toàn cầu IQAir, nồng độ bụi mịn PM 2.5 (hạt bụi nhỏ đến mức có thể vào máu) tại Chiang Mai có thời điểm cao hơn 30 lần so với hướng dẫn thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). IQAir xếp Chiang Mai là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới, vượt cả các “điểm nóng” thường xuyên như Lahore và Delhi.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết từ đầu năm đến nay đã có gần 2 triệu người ở nước này phải nhập viện điều trị các vấn đề về hô hấp do ô nhiễm không khí.

[Thái Lan và Myanmar thảo luận về nhiều vấn đề nóng tại khu vực]

Ông Rungsrit Kanjanavanit, một chuyên gia tim mạch ở Chiang Mai, cho biết ô nhiễm ảnh hưởng nhiều nhất đến người già và trẻ nhỏ: Nồng độ PM 2.5 tăng 10 micrograms/mil sẽ làm giảm tuổi thọ một năm.

Ô nhiễm bụi mịn - chủ yếu do hoạt động đốt rừng và người nông dân đốt rác thải nông nghiệp - cũng tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch ở Chiang Mai.

Các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở các địa phương này gần như đã “biến mất” trong màn khói mù dày đặc, trong khi nhiều du khách tới đây đã phải nhanh chóng rời đi để tránh ô nhiễm không khí.

Hôm 7/4, trong cuộc họp trực tuyến với các đại diện của Lào và Myanmar, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi nỗ lực hình thành các cách tiếp cận “mang tính xây dựng và cụ thể” để giải quyết vấn đề khói mù xuyên biên giới trong khu vực.

Tại Malaysia, một số khu vực ở Thủ đô Kuala Lumpur, bang Johor và Kelantan cũng đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí trong tháng Tư vừa qua ở mức có hại cho sức khỏe.

Bộ Y tế Malaysia đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do nắng nóng, trong đó có hai trường hợp trẻ em tử vong do say nắng và mất nước ở bang Kelantan.

Chính phủ Malaysia đang triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn các hành vi đốt lửa ở ngoài trời - theo Luật về Chất lượng Môi trường. Các đối tượng vi phạm và bị kết tội có thể bị phạt tối đa 500.000 RM (112.000 USD) hoặc bị phạt tù lên tới 5 năm, hoặc cả hai hình phạt.

Cục Môi trường nước này cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch ngăn chặn các hành vi đốt lửa ngoài trời - một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khói mù - kể từ tháng Ba và sẽ cùng với MetMalaysia theo sát các thông tin về các điểm nắng nóng, số ngày không có mưa… và các vụ cháy xảy ra.

Năm nước thành viên ASEAN tìm cách giải quyết ô nhiễm khói mù ảnh 2Khói mù dày đặc bao phủ thành phố Chiang Mai (Thái Lan), ngày 10/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về khói mù và thời tiết khô nóng vào cuối tháng Năm để thảo luận về vấn đề này, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường triển khai giám sát các khu vực dễ xảy ra cháy nổ.

Malaysia mong muốn hội nghị sắp tới của năm nước thành viên ASEAN tại Singapore sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc thời tiết trở nên nóng hơn, khả năng xảy ra các sự cố liên quan đến khói mù và các biện pháp khắc phục những vấn đề này, Bộ trưởng Nik Nazmi Nik Ahmad cho biết.

ASEAN cũng cần có một lộ trình để bổ sung, sửa đổi các quy định về hợp tác xuyên biên giới hiện nay liên quan đến tình trạng ô nhiễm khói mù - theo quan chức Malaysia.

Cuối tháng Ba vừa qua, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã cam kết hỗ trợ các nỗ lực chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục