Nam Phi đối mặt với cú sốc kinh tế "lịch sử" do dịch COVID-19

Trước nguy cơ đại dịch COVID-19 có thể gây ra cú sốc kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách năm 2020-2021 của Nam Phi có thể sẽ vượt qua mức 10% GDP - cao nhất trong lịch sử.
Nam Phi đối mặt với cú sốc kinh tế "lịch sử" do dịch COVID-19 ảnh 1Kinh tế Nam Phi chịu ảnh hưởng lớn do COVID-19. (Ảnh: Wikipedia)

Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) đánh giá đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể gây ra cú sốc kinh tế lịch sử đối với nước này kể từ sau Thế chiến thứ II.

Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn báo cáo Đánh giá ổn định tài chính (FSR) của SARB công bố ngày 27/5 cho biết, mặc dù tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 của Nam Phi tương đương với mức trung bình của các nền kinh tế thị trường mới nổi, nhưng tỷ lệ này tiếp tục tăng và trở thành một rủi ro đối với đất nước này. Trong giai đoạn 2008-2019, nợ công của Nam Phi đã tăng 33% GDP, cao hơn hầu hết các nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao khác.

Cũng theo SARB, tổng GDP của Nam Phi năm 2020 có thể giảm 7% và điều này cho thấy nền kinh tế Nam Phi sẽ đối mặt với cú sốc đáng kể. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của SARB Alex Smith cho rằng cú sốc COVID-19 có thể gây thiệt hại đối với tình hình kinh tế của Nam Phi trong khoảng 5 năm.

Trong báo cáo Ngân sách quốc gia năm 2020, Bộ Tài chính Nam Phi dự báo nợ công của nước này sẽ tăng từ mức hiện tại 61,6% GDP, lên 71,6% GDP vào năm 2023. Tuy nhiên, IMF dự báo nợ công của Nam Phi sẽ ở mức 85,6% GDP vào cuối năm 2021, do tác động kinh tế của COVID-19 cũng như các biện pháp kích thích tài chính được Chính phủ Nam Phi đưa ra tháng 4 vừa qua.

Trong khi đó, chi phí dịch vụ nợ của Chính phủ Nam Phi sẽ tiếp tục tăng so với mức hiện nay là 13% chi tiêu chính phủ và 16,4% ngân sách 2020-2021. Gánh nặng dịch vụ nợ sẽ chiếm 15% chi tiêu Chính phủ Nam Phi vào năm 2023, bởi các khoản thanh toán lãi suất là hạng mục có mức tăng cao nhất trong ngân sách. Trong bối cảnh áp lực đối với tài khóa tăng lên, chi phí cho lãi suất sẽ tăng theo và có khả năng làm chệch hướng các ưu tiên ngân sách dành cho xã hội và đầu tư khác. 

Trước đó, Bộ Tài chính Nam Phi dự báo thâm hụt ngân sách của Nam Phi có thể ở mức 6,8% GDP trong tài khóa hiện tại. Tuy nhiên, trước nguy cơ đại dịch COVID-19 có thể gây ra cú sốc kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách năm 2020-2021 của nước này có thể sẽ cao hơn 10% GDP – mức thâm hụt cao nhất trong lịch sử Nam Phi. 

Giới chuyên gia nhận định sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19, Chính phủ Nam Phi cần củng cố chính sách tài chính thân thiện với tăng trưởng để giải quyết vấn đề nợ công tăng nhanh. Nếu nợ công tiếp tục tăng và không được kiểm soát kịp thời, Chính phủ Nam Phi có thể phải đối mặt với những thách thức về dịch vụ nợ, điều này có thể có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.