Nam Phi nởi lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng

Người dẫn vẫn bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín như trong cửa hàng, văn phòng, phương tiện công cộng... nhưng không phải đeo khẩu trang ở không gian mở như đi bộ, buổi tụ tập ngoài trời.
Nam Phi nởi lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 8/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tối 22/3, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại không gian mở nơi công cộng nhưng người dân vẫn phải tuân thủ đeo khẩu trang trong không gian kín.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong thông điệp quốc gia được phát sóng trực tiếp trước toàn dân, Tổng thống Ramaphosa cho biết vẫn sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở các không gian công cộng trong nhà như trước đây như tại cửa hàng, trung tâm thương mại, văn phòng, nhà máy, phương tiện công cộng… tuy nhiên sẽ không cần phải đeo khẩu trang khi đi dạo nơi công cộng, tập thể dục hoặc tham gia một buổi tụ tập ngoài trời.

Theo quy định tạm thời, số lượng người tụ tập lên đến 1.000 người trong nhà và 2.000 người ở ngoài trời.

Tổng thống Ramaphosa cho biết sự thay đổi này đối với số lượng người được phép tại các cuộc tụ họp sẽ mang lại lợi ích to lớn cho ngành thể thao, giải trí và sự kiện nói riêng.

Ông cho biết số người tối đa được phép tham dự đám tang sẽ từ 100 đến 200 người. Quy định giãn cách xã hội cũng sẽ được giảm xuống còn 1 mét giữa hai người ở mọi nơi, ngoại trừ tại trường học.

Tổng thống Ramaphosa cũng tuyên bố: “Du khách đến Nam Phi sẽ phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc xét nghiệm PCR âm tính không quá 72 giờ. Tất cả những du khách chưa được tiêm phòng khi nhập cảnh vào đất nước này muốn được tiêm vaccine cũng sẽ được tiêm.”

[Nam Phi điều chỉnh chính sách tiêm vaccine theo bằng chứng khoa học]

Ông Ramaphosa cho biết các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/3/2022 cho đến khi các quy định mới được công bố.

Những thay đổi trong quy định này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Nam Phi chuẩn bị dỡ bỏ tình trạng thảm họa được áp dụng kể từ khi quốc gia này ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020.

Tình trạng thảm họa của Nam Phi sẽ còn kéo dài đến ít nhất là ngày 16/4, đây cũng là ngày kết thúc lấy ý kiến công chúng về dự thảo quy định mới nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Tổng thống Ramaphosa nhận định đất nước đã sẵn sàng và chuẩn bị tốt hơn cho những gì phía trước trong việc tiếp tục đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Ông tuyên bố: “Hiện chúng ta đã học cách sống chung với đại dịch COVID-19.”

Hồi tưởng về hai năm qua sống cùng dịch bệnh, ông cho biết đất nước đã áp dụng những quy định giãn cách xã hội và phong tỏa toàn quốc một cách quyết liệt và chưa từng có.

Nhưng việc áp dụng này đã thực sự làm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, giúp cho đất nước vượt qua 4 làn sóng lây nhiễm.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 tại Nam Phi ghi nhận 3,7 triệu ca nhiễm và gần 100.000 ca tử vong.

Tổng thống Ramaphosa tuyên bố: “Sau bốn đợt lây nhiễm, số người mắc bệnh và số ca tử vong đã ít hơn trước.” Theo ông, điều này là do khoảng 60-80% xã hội có một số khả năng miễn dịch với virus.

Tổng thống Ramaphosa cho biết mặc dù đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng nền kinh tế Nam Phi đang dần trở lại bình thường.

Theo Tổng thống Ramaphosa, đại dịch đã thay đổi mọi thứ trong cuộc sống của người dân, bao gồm cả phương thức làm việc, đi lại và giao tiếp xã hội.

Ông cũng nhấn mạnh về những tác động tàn phá đối với nền kinh tế với hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa và gần 2 triệu người mất việc làm.

Tuy nhiên, ông cũng ca ngợi cách đất nước đã có những hành động chưa từng có dẫn đến việc cải thiện hệ thống y tế, xây dựng thêm nhiều bệnh viện và phòng thí nghiệm, đảm bảo bệnh nhân mắc COVID-19 được chăm sóc.

Ông tuyên bố: “Hiện tại chúng ta đã sẵn sàng để bước sang một chương mới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.