Nam Phi tổ chức kỷ niệm trọng thể 20 năm hòa giải dân tộc

Chính phủ Nam Phi đã tổ chức kỷ niệm trọng thể Ngày hòa giải Dân tộc dưới khẩu hiệu "Gắn kết xã hội, Hòa giải và Thống nhất Dân tộc trong 20 năm xây dựng dân chủ."
Nam Phi tổ chức kỷ niệm trọng thể 20 năm hòa giải dân tộc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ngày 16/12, tại Bảo tàng Ncome ở quận uMzinyathi, tỉnh KwaZulu-Natal, Chính phủ Nam Phi đã tổ chức kỷ niệm trọng thể Ngày hòa giải Dân tộc dưới khẩu hiệu "Gắn kết xã hội, Hòa giải và Thống nhất Dân tộc trong 20 năm xây dựng dân chủ."

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã điểm lai những kết quả quan trọng mà Chính phủ và nhân dân Nam Phi đạt được trong 20 năm nỗ lực hòa giải dân tộc, giúp xã hội đa sắc tộc này được phát triển trong hòa bình, tự do, bình đẳng, và thống nhất.

Ông Zuma nhấn mạnh: "Hòa giải không có nghĩa là quên đi hoặc cố gắng chôn vùi lịch sử đau thương. Nó có nghĩa là khi chúng ta nhớ đến nỗi đau của quá khứ, chúng ta sẽ không cho phép nó cản trở chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn."

Ngày 16/12 là một ngày đáng nhớ đối với cả những kẻ áp bức lẫn những người bị áp bức tại Nam Phi trước đây. Đối với những người Afrikaner - hậu duệ của những người Voortrekker gốc Hà Lan đến định cư tại Nam Phi cách đây ba thế kỷ - 16/12 là ngày kỷ niệm chiến thắng của họ trước người Zulu trong cuộc chiến ác liệt bên sông Ncome cách đây 176 năm.

Trong khi đối với người Zulu nói riêng và người Nam Phi nói chung, ngày này là biểu tượng của cuộc kháng chiến lâu dài chống lại ách đô hộ của các thế lực thực dân.

Vào ngày 16/12/1961, Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã thành lập lực lượng vũ trang mang tên Umkhonto we Sizzwe (MK) để chuyển sang đấu tranh vũ trang chống lại chế độ thực dân và phân biệt chủng tộc Apartheid.

Nhân dịp này, Tổng thống Zuma đã khánh thành một cây cầu bắc qua sông Ncome, tượng trưng cho sự hòa giải giữa người Afrikaner và người Zulu nói riêng và người bản địa Nam Phi nói chung.

Ở hai đầu cầu có các di tích miêu tả cuộc chiến ác liệt giữa người Boer và người Zulu vào ngày 16/12/1838. Tổng thống Zuma cho biết cây cầu này có ý nghĩa quan trọng đối với cả người Zulu lẫn người Afrikaner, bởi từ nay họ có thể cùng nhau kỷ niệm ngày lịch sử đó, thay vì mỗi bên tổ chức ở một bờ của con sông như trước đây.

Ông Zuma nói: "Các thế hệ kế tiếp sẽ được thấy những người đã sống qua giai đoạn chuyển đổi xã hội hiện nay là một thế hệ thực sự tuyệt vời, họ đã có thể vượt qua nỗi sợ hãi, đớn đau và thù hận để xây dựng một tương lai không phân biệt chủng tộc."

Ý tưởng hòa giải dân tộc được Chính phủ của Tổng thống Nelson Madela đề xuất sau khi Nam Phi tiến hành thành công cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên vào năm 1994 - nơi người da đen lần đầu tiên được đi bỏ phiếu - mang lại chiến thắng vang dội cho Đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.