Nam Phi trấn an quan ngại của quốc tế về tình trạng bài ngoại

Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor đã gặp mặt các phái đoàn ngoại giao châu Phi tại Pretoria nhằm xoa dịu lo lắng của cộng đồng người nước ngoài gốc Phi trước làn sóng bài ngoại gần đây.
Nam Phi trấn an quan ngại của quốc tế về tình trạng bài ngoại ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor. (Nguồn: dailymaverick.co.za)

Ngày 9/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor đã gặp mặt các phái đoàn ngoại giao châu Phi tại Pretoria nhằm xoa dịu lo lắng của cộng đồng người nước ngoài gốc Phi trước làn sóng bài ngoại trong những tuần gần đây tại quốc gia này.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi nêu rõ ngoài việc thổi phồng tình trạng bạo lực vì động cơ chính trị, những di sản còn lại của chế độ phân biệt chủng tộc Aparthied như sự bất bình đẳng trong xã hội là một trong những lý do căn bản dẫn đến những vụ tấn công nhằm vào người nước ngoài trong thời gian qua.

[Nigeria cung cấp miễn phí chuyến bay sơ tán công dân khỏi Nam Phi]

Lý giải thêm về việc này, Bộ trưởng Pandor cho rằng tình trạng nghèo đói và thất nghiệp tại các quốc gia láng giềng đã liên tục đẩy dòng người di cư từ những nước này tìm đến Nam Phi với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong khi đó, chính Nam Phi cũng đang phải vật lộn với tình trạng bất bình đằng cùng tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất cao. Đây là nguyên nhân làm bùng nổ xung đột trong quá trình cạnh tranh tìm việc làm giữa người di cư và người địa phương trong bối cảnh các nguồn lực hiện có ngày càng trở nên hạn hẹp.

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nam Phi, một số lượng lớn tội phạm từ nhiều nước châu Phi đã theo dòng người nhập cư đến Nam Phi để hoạt động, tạo ra những tổ chức tội phạm có tổ chức cạnh tranh trực tiếp với các băng đảng địa phương tại Nam Phi ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế "đen" như buôn bán ma túy, mại dâm và buôn người. Đây cũng được xem là một trong những lý do chủ yếu tạo nên bất ổn và bạo lực.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Pandor cho rằng đây là những thách thức đáng kể về kinh tế xã hội, do đó cần tìm ra nguyên nhân sâu xa, cũng như những giải pháp mang tính lâu dài và triệt để nhằm giải quyết một cách gốc rễ tình trạng này.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Naledi Pandor cho rằng nhiều phát ngôn không phù hợp về vấn đề người di cư của một số quan chức trong thời gian qua cũng đã góp phần "đổ thêm dầu vào lửa" và làm phức tạp thêm tình hình. Đồng tình với bà Pandor, các đại sứ cho biết họ cũng nhận thức được vấn đề này cũng như đánh giá cao những nỗ lực ngăn chặn tình trạng bạo lực của chính phủ Nam Phi trong thời gian vừa qua.

Trước đó, hồi cuối tuần vừa rồi, Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) cũng đã lên án các cuộc tấn công nhằm vào người nước ngoài tại Nam Phi trong thời gian qua khiến hơn 10 người thiệt mạng, cũng như phá hủy nhiều cơ sở kinh doanh và tài sản của người nước ngoài tại quốc gia này.

Cũng cuối tuần trước, nhiều người dân tại các nước như Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo đã biểu tình trước cơ sở kinh doanh, cơ quan ngoại giao của Nam Phi tại những nước này để phản đối làn sóng bạo lực trên. Chính phủ Nam Phi buộc phải đóng cửa các phái bộ ngoại giao của nước này ở các thành phố Abuja và Lagos của Nigeria. Công ty viễn thông MTN của Nam Phi cũng phải tạm ngừng hoạt động các chi nhánh của mình tại Nigeria sau khi người biểu tình tấn công những cơ sở này.

Nam Phi, một trong những nền kinh tế phát triển nhất tại châu Phi, là điểm đến ưa thích của những người lao động các nước khu vực như Nigeria, Somalia, Zimbabwe, Mozambique, Malawi và một số nước Nam Á. Tuy nhiên, nhóm người lao động nước ngoài phải đối mặt với tư tưởng chống người di cư tại Nam Phi, nơi mà họ phải cạnh tranh với người lao động nước sở tạị.

Theo Trung tâm Di cư và xã hội châu Phi, làn sóng bạo lực nhằm vào người nước ngoài tại Nam Phi lên đến đỉnh điểm hồi năm 2008 với hơn 100 người thiệt mạng, và năm 2015 có hơn 60 người thiệt mạng. Trong năm 2018 có hơn 40 người nước ngoài đã thiệt mạng trong các vụ tấn công tại Nam Phi. Theo số liệu thống kê không chính thức, khoảng 3,5 triệu người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại quốc gia có số dân 56 triệu người này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.