Nam Phi và Trung Quốc ký các thỏa thuận hợp tác 10 tỷ USD

Trung Quốc sẽ cho Tập đoàn điện lực Nam Phi vay 500 triệu USD, đồng thời thành lập một quỹ đầu tư trị trị giá 10 tỷ rand để phát triển ngành điện lực và cải tạo cơ sở hạ tầng ở quốc gia này.
Nam Phi và Trung Quốc ký các thỏa thuận hợp tác 10 tỷ USD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA)

Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây, hai nước đã ký kết 26 thỏa thuận hợp tác trị giá 96 tỷ rand (tương đương 10 tỷ USD).

Theo đó, Trung Quốc, thông qua Ngân hàng phát triển nước này, sẽ cho Tập đoàn điện lực Nam Phi (Eskom) vay 500 triệu USD để xây dựng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện, đồng thời thành lập một quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ rand để phát triển ngành điện lực và cải tạo cơ sở hạ tầng ở quốc gia châu Phi trong 5 năm tới.

Trung Quốc cũng quyết định đầu tư hai dự án sản xuất ôtô tại hai thành phố cảng của Nam Phi là Durban và East London, với công suất sản xuất 100.000 xe/năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và các nước tại khu vực này.

Ngoài ra, Nam Phi và Trung Quốc cũng ký kết nhiều thỏa thuận lớn về hợp tác xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển," phát triển ngành hàng hải, xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, khai khoáng, năng lượng, công nghệ thông tin, giáo dục, khoa học kỹ thuật…

Nhân dịp này, Nam Phi và Trung Quốc cũng trao đổi các biện pháp nhằm đẩy nhanh việc triển khai Chương trình hợp tác chiến lược song phương trong giai đoạn 5-10 năm tới, đã được ký vào tháng 12/2014 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Năm 2015, hai nước đã tập trung hợp tác vào 6 lĩnh vực quan trọng gồm liên kết các ngành công nghiệp để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của Nam Phi; tăng cường hợp tác trong các đặc khu kinh tế (SEZ); hợp tác về hàng hải; phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực và lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, mục tiêu chính của chuyến thăm chính thức tới Nam Phi lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình là nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và nền kinh tế tiên tiến nhất châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.