Theo đánh giá của lãnh đạo ngành trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và người làm lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo, năm 2023, sản xuất lúa đạt nhiều thắng lợi; thắng lợi cả về sản lượng, giá bán và xuất khẩu.
Niềm vui của người trồng lúa
Tại cánh đồng mẫu lớn của Hợp tác xã An Xuân, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, anh Nguyễn Văn Nhiều bận rộn với công việc cân lúa để bán cho thương lái tại ruộng.
Nụ cười luôn thường trực trên gương mặt đen sạm, nông dân Nguyễn Văn Nhiều chia sẻ, giá lúa tươi OM18 được thương lái mua ngay tại ruộng với giá 8.500 đồng/kg. Với anh Nhiều mấy chục năm làm ruộng chỉ có vụ lúa Thu Đông năm nay giá bán được cao như vậy, cao hơn giá lúa vụ Đông Xuân các năm.
Với 4ha sản xuất lúa, vụ Thu Đông 2023, anh Nhiều lãi được số tiền 120 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận rất lớn đối với người trồng lúa vụ Thu Đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi lẽ, đây là vụ lúa thường bị ảnh hưởng thời tiết, gặp nhiều bất lợi trong sản xuất.
"Không chỉ bản thân tôi mà bà con nông dân của huyện rất phấn khởi. Nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất lúa đạt khoảng 6-7 tấn/ha, cộng với giá bán cao nên vụ Thu Đông năm nay thắng lớn nhất trong 20 năm tôi làm lúa," anh Nhiều nói.
Huyện Cờ Đỏ là vùng sản xuất lúa trọng điểm của thành phố Cần Thơ. Vụ Thu Đông năm nay, địa phương xuống giống với diện tích trên 19.700ha, tập trung chủ yếu hai giống lúa OM5451 và OM18. Đến thời điểm này, địa bàn huyện đã thu hoạch trên 80% diện tích xuống giống vụ Thu Đông.
[ĐBSCL: Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, hướng đi bền vững]
Ông Huỳnh Văn Bằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết những ngày qua, trên địa bàn xảy ra mưa, ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch lúa của người dân. Tuy nhiên, do nguồn máy cắt nhiều nên lúa không bị hao hụt. Sản lượng lúa ước đạt khoảng 6-6,5 tấn/ha lúa tươi, với giá bán khoảng 7.300-7.800 đồng/kg lúa tươi OM5451 và từ 7.800-8.500 đồng/kg lúa tươi OM18.
Tại tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Thu Đông 2023 xuống giống 121.189ha, tăng khoảng 11.000ha so với vụ Thu Đông 2022. Đến thời điểm này, các trà lúa ở Đồng Tháp đã được thu hoạch gần dứt điểm. Ước cả năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của Đồng Tháp đạt 496.736ha (bằng 100,5% kế hoạch và tăng 14.590ha so cùng kỳ).
Mặc dù, do thời tiết bất lợi nên vụ lúa Thu Đông thường được khuyến cáo giảm diện tích xuống giống lúa, chuyển đổi cây trồng khác nhưng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền, cho biết do thị trường tiêu thụ lúa năm 2023 ổn định, giá bán ở mức khá cao nên nhiều diện tích không chuyển đổi sang trồng hoa màu và một số ô bao không thực hiện xả lũ vụ Thu Đông 2023 để tiếp tục xuống giống. Năng suất vụ Thu Đông ước đạt bình quân 67 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 3,33 triệu tấn (tăng 27.887 tấn so với cùng kỳ năm 2022).
Nhờ triển khai áp dụng rộng rãi quy trình canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là giá vật tư, phân bón giảm và lợi thế giá bán lúa tăng cao nên lợi nhuận trồng lúa bình quân đạt từ 23-27 triệu đồng/ha (cao hơn từ 7,9-13,6 triệu đồng/ha so với vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2022).
Năm 2023, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 3,8 triệu ha, ước tính sản lượng lúa gần 24 triệu tấn (tăng 416.000 tấn so với năm 2022).
Với sản lượng lúa năm 2023 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định đây là con số trung bình bởi trước đây có lúc sản lượng lúa của vùng đạt 25 triệu tấn/năm với diện tích gieo trồng 4 triệu ha. Mặc dù diện tích gieo sạ giảm nhưng sản lượng lúa không giảm, năng suất tăng xấp xỉ 1 tạ/ha.
"Sản xuất lúa năm 2023 đạt nhiều thắng lợi nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngoài thành công về diện tích gieo trồng, sản lượng, năm 2023 còn ghi nhận giá lúa ở mức cao và sản lượng xuất khẩu gia tăng," ông Tùng đánh giá.
Xuất khẩu gạo đạt hoặc vượt mức năm 2022
Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng của năm 2023 đạt gần 6 triệu tấn (còn khoảng 1,2 triệu tấn sẽ bằng lượng gạo xuất khẩu của năm 2022). Vụ Thu Đông 2023, Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống gần 700.000ha lúa, với sản lượng ước đạt gần 4 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 2 triệu tấn gạo.
Với con số này, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, (VFA), khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể đạt hoặc vượt mức xuất khẩu năm 2022. Vì bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp có thể xuất được 400.000 tấn gạo.
Như vậy, 4 tháng cuối năm nay, xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn gạo. Do đó, con số 1,2 triệu tấn gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2023 nằm trong tầm khả năng của doanh nghiệp. Thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt đang bắt đầu đàm phán với khách hàng để tìm thị trường xuất khẩu gạo.
Chia sẻ về bức tranh thị trường xuất khẩu gạo, lãnh đạo VFA, cho biết những năm gần đây, Philippines là thị trường xuất khẩu số 1 của gạo Việt, chiếm trên 40% tổng lượng gạo xuất khẩu.
VFA dự báo, từ nay đến cuối năm Philippines dự kiến nhập thêm 1,1 triệu tấn gạo, Indonesia khả năng nhập khoảng 700.000 tấn gạo. Các thị trường khác như Malaysia và Trung Quốc cũng sẽ có những kế hoạch nhập khẩu gạo trong thời gian tới.
Cùng với đó là lịch thời vụ cho vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long được bắt đầu sớm, từ ngày 10/10 xuống giống và bước vào tháng 1/2024 sẽ thu hoạch. Trong khi đó, vụ Thu Đông 2023 đã bắt đầu thu hoạch kéo dài đến tháng 12/2023. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu gạo.
Với những tín hiệu lạc quan trên, Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam tin tưởng từ nay đến cuối năm và bước sang năm 2024, sản xuất lúa gạo Việt Nam tiếp tục thắng lợi. "Tín hiệu thị trường tốt, nhưng ngành sản xuất lúa gạo cần giữ vững thị trường bằng chất lượng sản phẩm," ông Nam khuyến nghị./.