Ai cũng biết hút thuốc lá gây tổn hại sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, có những sự thật mang tính khoa học về nicotin và khói thuốc lá mà kể cả những người hút lâu năm chưa chắc đã biết.
Nicotin được ứng dụng trong y khoa
Nicotin là thành phần có trong thuốc lá, tác động đến não làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh, điều chỉnh tâm trạng và hành vi của người hút. Chính vì thế, nicotin từ lâu được ứng dụng trong y khoa.
Bà Colleen McBride, giám đốc chương trình phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát ung thư tại Trung tâm Y tế Đại học Duke cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nicotin thực sự làm giảm một số triệu chứng của bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer, đồng thời giúp những người bị trầm cảm nặng tập trung hơn.
Pamela Flood, bác sỹ gây mê tại Columbia, đang nghiên cứu nicotin như một loại thuốc giảm đau sau phẫu thuật.
Nicotin hiện diện trong món ăn hằng ngày
Sự thật khá bất ngờ là chúng ta đang tiêu thụ khoảng 1400 microgam (µg) nicotin mỗi ngày thông qua những thực phẩm vô cùng gần gũi như: cà tím, cà chua, khoai tây, ớt, súp lơ trắng, trà xanh và trà đen...
Dù vậy, các loại thực vật này chỉ chứa một lượng nhỏ nên ngay cả khi dùng thường xuyên cũng không có vấn đề gì. Để hấp thụ lượng nicotin bằng 1 điếu thuốc lá cần tương đương 10 kg cà tím - con số không tưởng cho 1 bữa ăn.
Khói thuốc lá - kẻ hủy diệt thầm lặng
Không giống như mọi người thường lầm tưởng, các nhà khoa học chứng minh rằng nicotin chỉ “góp phần” nhỏ tác động lên sức khỏe thông qua hành vi hút thuốc lá, 95% tính độc hại chính là từ khói và nhựa thuốc lá (hắc ín) được tạo ra do quá trình đốt cháy điếu thuốc để hút.
Như vậy đối với thuốc lá điếu, người hút thuốc phải hít một hỗn hợp hóa học có cấu trúc phức tạp của hơn 7.000 chất trong khói của thuốc lá thông qua quá trình đốt cháy. Hỗn hợp khói này là nguyên nhân gây ra những bệnh lý nguy hiểm vì hút thuốc, bao gồm ung thư, hô hấp, tim mạch, COPD...
Thậm chí chỉ cần tiếp xúc ngắn, khói thuốc lá điếu cũng có thể nhanh chóng gây ảnh hưởng lên các mạch máu và khiến máu dễ đông hơn. Ở những người bị bệnh tim mạch vành, tác động này có thể gây ra cơn đau tim.
Không những thế, khói thuốc làm hỏng lớp niêm mạc mỏng manh của phổi và gây ra tổn thương vĩnh viễn, làm giảm hiệu năng trao đổi khí. Cuối cùng có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bao gồm cả khí phế thũng.
Đồng thời, khói thuốc lá làm viêm và gây tổn thương tế bào. Khi tế bào bạch cầu đáng ra có nhiệm vụ phản ứng với chấn thương, nhiễm trùng và ung thư lại phải tập trung toàn lực để chống lại tác động xấu do khói thuốc gây ra.
Hệ quả khác nữa từ khói thuốc là sự mất cân bằng giữa chất oxy hóa và chất chống oxy hóa có lợi dẫn đến thiệt hại trực tiếp tới lipid, protein, axit nucleic và các thành phần của chất nền phổi, điều này biểu hiện qua sự suy giảm chức năng cơ xương, tăng tiết chất nhầy...
Dễ hút khó bỏ - câu chuyện không của riêng ai
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), các yếu tố tâm lý xã hội, sinh học và di truyền cũng có thể đóng một vai trò trong việc nghiện thuốc lá. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới chứng nghiện hành vi - tập hợp các hành động tạo ra một số cảm giác êm dịu hoặc thậm chí là hưng phấn. Hành vi hút thuốc ăn sâu như một thói quen hằng ngày, dù ai cũng hiểu rõ là nó không tốt cho sức khoẻ.
Cơ hội giảm tác hại cho người hút thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá điếu thông thường là sản phẩm cung cấp nicotin gây hại nhất khi so sánh với tất cả các sản phẩm thuốc lá khác và sản phẩm chứa nicotin thay thế.
Để giảm tác hại cho những người khó cai hoặc chưa sẵn sàng cai thuốc, điều cốt yếu là cần loại bỏ khói thuốc lá đốt cháy.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho ra nhận định rằng các sản phẩm thuốc lá không khói, điển hình là thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm snus… là những sản phẩm có cung cấp nicotin nhưng không cần đốt cháy.
Nhiều quốc gia và một số tổ chức y tế công cũng khuyến cáo người đang hút thuốc lá điếu chuyển đổi sang các giải pháp giảm thiểu tác hại của khói thuốc.
Trong một bài viết gần nhất, Phó giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các giải pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu mặc dù không hoàn toàn vô hại, nhưng nếu so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu, việc chuyển đổi sang những giải pháp này đã loại bỏ được phần lớn các chất gây hại lên cơ thể.
Phó giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cũng từng cho rằng, các tổ chức y tế trên thế giới như Cục Quản Lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR), Viện Y tế Công cộng và Môi trường Quốc gia của Hà Lan đã tiến hành các đánh giá và nghiên cứu độc lập về các sản phẩm loại bỏ quá trình đốt cháy này.
Kết quả cho thấy hàm lượng các tác nhân gây ung thư chính trong các sản phẩm này giảm rõ rệt so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường./.