Năm tập đoàn giành quyền khai thác mỏ dầu Libra

Bốn công ty nước ngoài đã giành quyền cùng tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras của Brazil phát triển mỏ Libra ở Đại Tây Dương.
Bốn công ty nước ngoài đã giành quyền cùng tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras của Brazil phát triển mỏ Libra ở Đại Tây Dương, được cho là có trữ lượng lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay tại quốc gia Nam Mỹ này.

Ngoài Petrobras, là doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối, với 40% vốn, consortium thắng thầu được tổ chức ngày 21/10 tại thành phố Rio de Janeiro còn bao gồm Total SA (Pháp), Royal Dutch Shell PLC (Anh-Hà Lan) (mỗi tập đoàn chiếm 20% cổ phiếu), và các tập đoàn China National Offshore Oil Corporation (CNOOC) và China National Petroleum Corporation (CNPC) của Trung Quốc (mỗi tập đoàn nắm 10% cổ phần).

Việc đấu thầu mỏ Libra có tầm quan trọng chiến lược đối với chính phủ Brazil, vì Tổng thống Dilma Rousseff có kế hoạch sử dụng tiền thu được từ khai thác mỏ này để nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng, như giáo dục và y tế, và đưa quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này vào danh sách các nước phát triển.

Với diện tích khoảng 1.500 km2 và cách bờ biển của thành phố Rio de Janeiro khoảng 180km, Libra là một trong những mỏ được phát hiện năm 2007 tại vùng lòng chảo Santos ở ngoài khơi Đại Tây Dương. Theo ước tính, mỏ có trữ lượng lên tới 12 tỷ thùng dầu quy đổi, tương đương 70% trữ lượng đã được kiểm chứng mà Brazil đang sở hữu.

Hợp đồng khai thác mỏ Libra - theo dự kiến sẽ được ký trong vòng một tháng, sẽ có hiệu lực trong 35 năm. Chính phủ hy vọng mỏ sẽ đi vào sản xuất trong năm 2019, do điều kiện khai thác không dễ dàng, vì dầu khí nằm sâu dưới đáy đại dương, dưới lớp muối của Trái Đất. Sản lượng khai thác tại Libra ước tính có thể lên tới 1,4 triệu thùng/ngày, tương đương 2/3 sản lượng dầu hiện tại của Brazil.

Chính phủ Brazil coi cuộc đấu thầu là “rất thành công,” mặc dù một số tập đoàn quốc tế lớn như Exxon Mobile Corp, Chevron Corp và BP Plc không tham dự, do lo ngại sự can thiệp của chính phủ thông qua quyền điều hành của Petrobras tại consortium có thể gây thiệt hại cho vốn đầu tư không nhỏ của họ tại dự án này.

Đây là cuộc đấu thầu khai thác dầu khí đầu tiên tại Brazil theo phương thức phân chia sản phẩm. Theo luật định, Petrobras phải nắm tối thiểu 30% cổ phần tại các consortium.

Ngoài sản lượng dầu khí được chia cho Petrobras, Brazil còn thu được tiền thuê mỏ, thuế và 41,65 % tiền lãi từ bán dầu sau khi consortium trang trải chi phí sản xuất.

Cuộc đấu thầu được tổ chức tại một khách sạn ở thành phố Rio de Janeiro trong sự bảo vệ nghiêm ngặt trong bối cảnh hàng trăm người, gồm công nhân dầu khí, sinh viên và thành viên một số đảng cánh tả và tổ chức xã hội phản đối cuộc đấu thầu mà họ cho là một hành động “tư nhân hóa,” và trao tài nguyên cho các công ty nước ngoài.

Chính quyền Brazil đã phải điều động hai tàu chiến cùng khoảng 1.100 binh sỹ và cảnh sát để bảo vệ phiên đấu thầu.

[Brazil điều 1.000 lính tới phiên đấu thầu mỏ dầu Libra]

Theo Cơ quan quản lý dầu khí quốc gia Brazil (ANP), việc khai thác mỏ Libra sẽ cần vốn đầu tư khoảng 100 tỷ real (khoảng 46 tỷ USD), từ 12 đến 18 giàn khai thác lớn và gần 100 tầu hỗ trợ và vận chuyển dầu thô.

Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính Brazil, Guido Mantega, khẳng định cuộc đấu thầu này là bước đầu tiên trong nỗ lực thu hút trên 180 tỷ USD đầu tư trong lĩnh vực dầu khí trong 30 năm tới.

Cuộc đấu thầu tiếp theo để tìm kiếm và khai thác dầu khí tại mỏ Libra sẽ diễn ra tối thiểu là sau hai năm nữa.

Brazil vẫn quyết định tổ chức đấu thầu mỏ này sau khi có tin Petrobras bị Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám nhằm nắm thông tin trữ lượng dầu mỏ tại Nam Đại Tây Dương.

Petrobras được đánh giá là đứng đầu thế giới về công nghệ tìm kiếm dầu khí ở vùng nước sâu, điều mà theo ông Armando Guedes Coelho - cựu chủ tịch của tập đoàn, có thể được Mỹ quan tâm để ứng dụng trong khai thác dầu khí tại Vịnh Mexico./.

Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.