Năm yếu tố cơ bản để nhãn, vải Việt Nam được xuất sang Mỹ

Theo yêu cầu của thị trường Mỹ, trái cây nhập khẩu phải đáp ứng một số tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm như trồng ở khu vực được đăng ký và gắn mã.
Năm yếu tố cơ bản để nhãn, vải Việt Nam được xuất sang Mỹ ảnh 1Thu hoạch nhãn lồng Hưng Yên. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho nhãn, vải của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua phương pháp chiếu xạ. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 6/10, dự kiến mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn.

Tuy nhiên những quy định để nhãn, vải đạt đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ là hết sức ngặt nghèo. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã liệt kê 16 loại sâu, côn trùng, nấm có thể có trong vải tươi và 17 loại có thể có trong nhãn tươi mà phía Việt Nam phải loại bỏ thông qua phương pháp chiếu xạ.

Theo yêu cầu của thị trường Mỹ, trái cây nhập khẩu phải đáp ứng một số tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm như trồng ở khu vực được đăng ký và gắn mã, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực, phải được chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn dịch hại…

Để đảm bảo về dịch hại và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nhãn và vải xuất khẩu sang Mỹ, ông Nguyễn Hữu Đạt (Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết sản phẩm phải đảm bảo năm yếu tố cơ bản là sản xuất có mã số vùng trồng và áp dụng quy trình VietGAP; bọc quả (trái); sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đóng gói đúng cách và chiếu xạ.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Việt Nam sẽ phải xây dựng mã số vùng trồng (PUC) theo yêu cầu của Mỹ. Theo đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nhãn, vải có quy mô từ 10ha trở lên trong một vùng không gian gần kề như cùng một ấp, xã có thể được cấp 1 mã số. Mã số đó sẽ giúp các nhà nhập khẩu Mỹ truy suất được nguồn gốc sản phẩm.

Đặc biệt, các tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất nhãn, vải này phải áp dụng VietGAP, phải bọc trái trước thu hoạch tối thiểu ba tuần. Đồng thời nghiêm cấm sử dụng các nhóm thuốc Iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim mà Mỹ đã cấm. Nông dân có thể sử dụng các nhóm thuốc thay thế khác trong quá trình canh tác nhưng phải đảm bảo đủ thời gian cách ly tính đến ngày thu hoạch.

Trong giai đoạn thu hoạch, đặc biệt sản phẩm vải và nhãn từ phía Bắc có thể sơ chế tại chỗ, nhưng không được dùng bất kỳ một dạng hóa chất xử lý nào để giữ cho quả trắng, quả tươi lâu. Có thể xông thuốc lưu huỳnh SO2 nhưng phải đạt mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) do cơ quan chức năng của Mỹ quy định và sau đó chở xe lạnh vào Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý, đóng gói và chiếu xạ.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, phải làm nghiêm ngặt các quy trình trên, vì cho đến nay chỉ có 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số nhà đóng gói (PHC) ở phía Nam và hai nhà máy chiếu xạ TFC cũng ở phía Nam là đã được Mỹ công nhận. Miền Bắc chưa có cơ sở nào được công nhận.

“Thời gian đầu chỉ nên làm với khoảng 10 mã số (khoảng 100ha) cho mỗi loại quả đủ điều kiện để xuất khẩu. Danh sách các mã số có thể tiếp tục cập nhật theo thời gian," ông Nguyễn Hữu Đạt khuyến cáo.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết việc này đã mở ra cơ hội đối với người trồng vải và nhãn nói riêng và nhiều loại nông sản khác nói chung trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Cục sẽ phối hợp với cơ quan kiểm dịch của Mỹ tại Việt Nam xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn ở miền Bắc và miền Nam; đồng thời hoàn thành bản đồ chiếu xạ đối với các loại nông sản này.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành việc xác định các vùng trồng nhãn ở miền Nam để cấp mã số. Nếu đáp ứng sớm được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, nhất là kết quả bản đồ chiếu xạ đối với nhãn được Mỹ chấp thuận thì nhãn sẽ được xuất khẩu trước.

Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật tập trung hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, nông dân ở các vùng chuyên canh trồng vải và nhãn về mặt chăm sóc và kỹ thuật.

Dù các quy định để xuất khẩu sang là hết sức khó khăn nhưng ông Hoàng Trung cũng nhìn nhận, việc này đã mở ra cơ hội đối với người trồng vải và nhãn nói riêng và nhiều loại nông sản khác nói chung trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam đã có bốn loại trái cây được xuất khẩu vào Mỹ là thanh long, chôm chôm, nhãn và vải.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ được 1.000 tấn thanh long và 180 tấn chôm chôm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.