Chiều 21/4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình hợp tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị.
Chương trình hợp tác quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm và phương thức hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban Dân tộc trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, trao đổi thông tin, tư vấn chính sách về đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ làm công tác dân tộc.
Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước để triển khai thực hiện công tác dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
[Đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới]
Chương trình hợp tác trên ba phương diện: đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc; nghiên cứu khoa học; tư vấn chính sách cho Trung ương, Chính phủ về các vấn đề, chính sách dân tộc, với các nội dung như hợp tác nghiên cứu, triển khai các chương trình, dự án, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về công tác dân tộc; tổ chức biên soạn tài liệu, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương; đồng tổ chức, chủ trì một số hội thảo trong nước và quốc tế về những vấn đề lớn liên quan đến công tác dân tộc; phối hợp đề xuất các kiến nghị chính sách cho Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc…
Các nội dung hợp tác giữa hai bên phù hợp với các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đánh giá cao việc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban Dân tộc ký kết Chương trình hợp tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh vấn đề dân tộc và công tác dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng. Gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết và quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chương trình mục tiêu quốc gia, việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cũng như nghiên cứu đưa ra các phương pháp, cách thức làm công tác dân tộc trong tình hình mới kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn là rất quan trọng.
Với tinh thần đó, trên cơ sở tiếp nối mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hai cơ quan thời gian qua và phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các Vụ, Viện của hai cơ quan có các kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác, đồng thời tin tưởng đây sẽ là điểm khởi đầu hướng tới sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai cơ quan trong các giai đoạn tiếp theo vì sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Thống nhất với ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Thắng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là sự tiếp nối những nội dung phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn vừa qua và nay được cụ thể hóa bằng văn bản phối hợp; đánh dấu một mốc phát triển mới cho mối quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của mỗi cơ quan, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức làm công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân tộc thiểu số làm công tác dân tộc ở các cấp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng việc triển khai chương trình hợp tác sẽ góp phần quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; đóng góp hiệu quả, thiết thực vào việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc./.