Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học tập

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cần tập trung làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực theo mô hình “công dân học tập” ở các ngành, các lĩnh vực, các nhóm đối tượng.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học tập ảnh 1Giờ thực hành của sinh viên một trường đại học. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập."

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào việc đầu tư phát triển nền giáo dục hiện đại, thể hiện trong chiến lược phát triển một xã hội học tập mà về bản chất là nền giáo dục mở, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, việc thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn không ít hạn chế. Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt. Ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.”

Bên cạnh đó, Hội cần tập trung làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực theo mô hình “công dân học tập” ở các ngành, các lĩnh vực, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý, người lao động; đặc biệt là chất lượng nhân lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, cần chỉ ra được bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; trong việc triển khai, lồng ghép một số chuyên đề vào chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị…

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đổi mới giáo dục là một quá trình. Có những việc đã làm phải 10 năm sau mới nhìn thấy kết quả. Điều quan trọng là phải kiên định thực hiện, bám theo yêu cầu thực tiễn, xu thế thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, từ khi triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo, giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc, toàn diện từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học.

Đối với việc xây dựng xã hội học tập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã làm tốt nhưng phần việc của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị cần làm tốt hơn. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân thấy được sự cần thiết của việc học tập suốt đời, học để phát triển. Nếu không học sẽ không đáp ứng được sự thay đổi của yêu cầu công việc.

[Nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học các vấn đề đổi mới giáo dục]

Chúng ta cần làm thật tốt việc tôn vinh những người có tri thức, hiểu biết, những người giỏi, tạo điều kiện để họ mang kiến thức đóng góp cho xã hội. Học không chỉ dừng lại để mưu sinh mà học còn để thay đổi thế giới. Muốn như vậy, cần khơi dậy sự sáng tạo và đam mê học hỏi ở mỗi người dân. Mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ công nhân viên có cơ hội học tập, nâng cao nhận thức, trình độ.

Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết trong suốt thời kỳ thực hiện chiến lược đổi mới đất nước, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn cách mạng được Đảng ta coi là vấn đề cốt lõi, là nguồn vốn quan trọng.

Song nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Các chỉ tiêu cần đạt được về nhân lực chất lượng cao hầu như chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng xã hội học tập đến năm 2021 chỉ ra có tới ba trong bốn chỉ tiêu không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua đổi mới nhận thức của các cấp và người lao động, đổi mới giáo dục-đào tạo, trước tiên là đào tạo nghề và sự nỗ lực học tập của từng con người thì chúng ta sẽ tự đào thải mình.

Thực tế cho thấy, những khó khăn về công nghệ lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường bị ô nhiễm... sẽ được giải quyết nếu biết sử dụng, bồi đắp, làm giàu nguồn vốn là lực lượng nhân lực dồi dào và đầy ắp trí thông minh - những người đủ năng lực làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra đến năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục