Nâng cao giá trị Phiếu lý lịch tư pháp trong đời sống xã hội

Qua ba năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp, giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp trong đời sống xã hội ngày càng được nâng lên.

Sau hơn ba năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác lý lịch tư pháp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Đặng Thanh Sơn nhấn mạnh tới điểm nổi bật qua ba năm thi hành Luật đó là ý nghĩa, giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp trong đời sống xã hội ngày càng được nâng lên. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường làm cho các quan hệ xã hội ngày càng phong phú và đa dạng.

Phiếu lý lịch tư pháp được coi là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh cá nhân có hay không có án tích khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Vì vậy, hiện nay có nhiều văn bản của Nhà nước quy định về việc phải có Phiếu lý lịch tư pháp khi tham gia vào các quan hệ pháp lý.

Theo đó Phiếu lý lịch tư pháp trở thành một trong những giấy tờ bắt buộc phải có của cá nhân. Bên cạnh đó, Luật Lý lịch tư pháp đã hình thành cơ chế cập nhật và xử lý thông tin về đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án.

Thông qua việc cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp, nếu thấy người bị kết án đã có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của bộ Luật Hình sự, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp sẽ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và ghi là “không có án tích.”

Trong công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã chủ trì triển khai xây dựng Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Phần mềm lý lịch tư pháp dùng chung cho các Sở Tư pháp để phục vụ hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử. Hiện phần mềm này đang được triển khai thử nghiệm tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và hầu hết các Sở Tư pháp.

Tuy nhiên việc phối hợp giữa Sở Tư pháp và Phòng Hồ sơ Công an các tỉnh, thành phố giải quyết yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho nhân dân có nhiều trường hợp chậm so với quy định của Luật Lý lịch tư pháp.

Thực tế cho thấy công tác tra cứu, xác minh thông tin cần phải có thời gian, do vậy có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu báo cáo Quốc hội cho sửa đổi Luật theo hướng kéo dài thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho phù hợp với tình hình hiện nay hoặc Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an có văn bản quy định về thời gian tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp đối với những trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân.

Hiện nay Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các địa phương đang bước đầu thực hiện việc cập nhật thông tin lý lịch tư pháp. Mặt khác tuy Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010 nhưng phải đến ngày 28/6/2012 mới có Thông tư liên tịch số 04 Hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi cung cấp thông tin về án tích chưa được thu thập, cung cấp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp địa phương nên việc tra cứu, xác minh thông tin có trước và sau ngày 1/7/2010 đều phải tra cứu tại cơ quan công an đến khi Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các địa phương hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đầy đủ thông tin về lý lịch tư pháp và tự chịu trách nhiệm về việc khai thác thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Việc sửa Luật cho phù hợp với tình hình thực tế trên vừa đảm bảo yêu cầu công tác nghiệp vụ của ngành công an và công tác tra cứu, xác minh thông tin cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp gồm có hai loại phiếu, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Theo đó, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho cá nhân và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cấp cho cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình (khoản 2 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp). Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng quy định này của Luật, các cơ quan đại diện ngoại giao của một số nước đã yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh.

Việc công dân Việt Nam phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi làm các thủ tục liên quan đến nhập cảnh theo yêu cầu của một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam là không phù hợp với quy định của Luật Lý lịch tư pháp về mục đích sử dụng Phiếu lý luận tư pháp số 2. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cá nhân chỉ để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Hơn nữa khác với Phiếu lý lịch tư pháp số 1, nếu người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 đã từng bị kết án thì trong Phiếu sẽ ghi đầy đủ thông tin về án tích, bao gồm cả những án tích đã được xóa. Điều này sẽ gây bất lợi cho cá nhân, đặc biệt là những người đã từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích. Trong khi đó theo quy định của pháp luật về hình sự thì những trường hợp này được coi như chưa bị kết án.

Để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, phù hợp với chính sách của pháp luật hình sự của Việt Nam, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đề nghị cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp theo hướng Phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử không cấp theo yêu cầu của cá nhân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục