Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ: Đổi mới để đánh giá đúng ​

Đánh giá cán bộ là vấn đề hệ trọng, là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc đánh giá đúng cán bộ sẽ quyết định tới việc bổ nhiệm, cất nhắc, bố trí và sử dụng cán bộ.
Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ: Đổi mới để đánh giá đúng ​ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Cán bộ là cái gốc của mọi việc," "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém."

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ. Trong số đó, việc hiểu và đánh giá đúng cán bộ là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ.

Việc đánh giá cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm mà phải thấy rõ lịch sử của họ. Tức là phải có cái nhìn toàn diện mới có thể đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.

Thực tế cho thấy nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo tốt sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; ngược lại, nếu cán bộ yếu kém hoặc suy thoái sẽ dẫn tới suy thoái cả tổ chức, cơ quan, đơn vị, thậm chí làm tê liệt bộ máy của cả hệ thống.

Nói về tầm quan trọng của công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: "Công tác cán bộ qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt." Qua đó cho thấy công tác cán bộ rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Chưa phản ánh đúng thực chất trong đánh giá cán bộ

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là vấn đề hệ trọng, là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi việc đánh giá đúng cán bộ sẽ quyết định tới việc bổ nhiệm, cất nhắc, bố trí và sử dụng cán bộ nói riêng và chất lượng của đội ngũ cán bộ nói chung.

Chỉ có đánh giá khách quan, đúng phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ mới đảm bảo chính xác, khách quan trong công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ.

[Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Việc càng khó thì càng phải bảo đảm quy trình]

Ngược lại, nếu đánh giá cán bộ không đúng, thiếu chính xác sẽ dẫn đến lựa chọn, bố trí, sử dụng sai, để lọt những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín vào hệ thống chính trị, sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của Đảng và sự nghiệp cách mạng.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, ban hành nhiều văn bản liên quan như Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 50-QĐ/TW ngày 3/5/1999 về Quy chế đánh giá cán bộ, công chức; Quyết định 286-QĐ/TW ngày 8/2/2010 về việc ban hành quy chế đánh giá cán bộ, công chức; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Quy định 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ…

Việc bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương pháp, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình đánh giá cán bộ đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.

Việc đánh giá cán bộ là rất quan trọng nhưng lại là một việc khó và hiện vẫn là khâu yếu.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu: "đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất, qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể, giải pháp khoa học để khắc phục."

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII nêu vẫn còn tình trạng nể nang, cục bộ trong đánh giá cán bộ. Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII nhận định "đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn nể nang, dễ dãi, định kiến."

Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và Thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII được công bố để lấy ý kiến góp ý của nhân dân cũng nêu rõ: "Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất."

Thực tiễn cho thấy có những trường hợp cán bộ hạn chế về năng lực, phẩm chất, đạo đức, vi phạm khuyết điểm nhưng vẫn vượt qua các quy trình đánh giá để vào được cấp ủy hoặc được đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Câu chuyện về Trịnh Xuân Thanh, từ một cán bộ có nhiều sai phạm nghiêm trọng, đang bị kiểm tra, xem xét; đã bị cho thôi các chức vụ về Đảng và chính quyền, nhưng vẫn phát triển nhanh qua nhiều chức vụ, lên đến Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, trúng cử đại biểu Quốc hội. Vì sao có chuyện không bình thường ấy?

Qua điều tra của các cơ quan chức năng, những sai phạm nghiêm trọng trong vụ Trịnh Xuân Thanh là do các cơ quan đã bỏ qua, hoặc làm không đúng và có nhiều sai phạm khi thực hiện các quy định, quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.

Điều này cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu chặt chẽ, khoa học trong công tác đánh giá cán bộ, dẫn đến những quyết định sai trong công tác cán bộ, nảy sinh hiện tượng "đúng quy trình song không đúng người," mà một trong những hệ quả là nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng đã bị thi hành kỷ luật, gây ra những tổn thất về cán bộ, làm giảm ủy tín của Đảng.

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Mộng Huyền, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương), nêu lên một thực tế đối với cán bộ, công chức của hệ thống chính trị trong năm phải trải qua rất nhiều lần đánh giá ở các cấp độ khác nhau.

Người càng giữ nhiều vị trí, càng có nhiều chức vụ, số lần đánh giá càng tăng. Đó là đánh giá ở nơi công tác và đánh giá ở nơi cư trú. Ở nơi công tác, việc đánh giá bao gồm đánh giá theo ngạch đảng, đánh giá theo ngạch chính quyền, đánh giá theo ngạch đoàn thể. Việc đánh giá tiến hành hàng tháng, đánh giá 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.

Có những nơi ngoài bộ tiêu chí đánh giá chung còn có các tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết, phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Số lần đánh giá với những bộ tiêu chí đầy đủ, hoàn chỉnh, có nơi phức tạp như vậy nhưng có không ít trường hợp vừa được nhận xét rất tốt hôm nay, thậm chí được tôn vinh là gương điển hình tiên tiến, xuất sắc của địa phương, ngành, lĩnh vực, nhưng ngay sau đó lại bị kỷ luật thâm chí bị xử lý bằng pháp luật.

Nhận định việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục, Phó Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng Ban Xây dựng Đảng (Tạp chí Cộng sản) nên hiện trạng một số tổ chức đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức trong đánh giá cán bộ vẫn còn khá phổ biến ở các cấp; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao.

Không ít trường hợp đánh giá cán bộ còn chủ quan, mang tính cá nhân, cục bộ hoặc bị các mối quan hệ xã hội khác chi phối mà chưa phản ánh chính xác phẩm chất, năng lực của cán bộ.

Nguyên tắc đánh giá cán bộ là phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá, nhưng nhiều khi đặc trưng công việc khó định lượng mà chỉ định tính.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương), phương pháp đánh giá cán bộ còn xơ cứng, hình thức, lối mòn, đôi khi máy móc, chủ yếu thông qua tổng kết năm thường lệ, nhiều nơi chiếu lệ cho xong. Nội dung kiểm điểm, đánh giá theo công thức: về lập trường tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ được giao, chấp hành chính sách, pháp luật, tinh thần học tập… Hầu hết không có chuẩn mực về "hoàn thành nhiệm vụ được giao", về lập trường tư tưởng "kiên định, vững vàng" nên sau khi nghe đọc bản kiểm điểm là "nhất trí," chỉ trừ những người mắc khuyết điểm, vi phạm rõ ràng mới đưa ra xem xét.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh đánh giá cán bộ một cách toàn diện và thực chất là việc khó, nhạy cảm, phức tạp bởi nó liên quan đến con người trong một quá trình vận động và xu thế phát triển, gắn với việc nhìn nhận thấu đáo môi trường, điều kiện khách quan, điều này đòi hỏi một hệ thống đánh giá phải thực sự khoa học, đồng bộ, đa chiều, nhất là đội ngũ những người làm công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, tinh tường, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết.

Với vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối tất cả các khâu còn lại của công tác cán bộ, việc tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ nhằm "đánh giá đúng cán bộ" để có thể "sử dụng đúng cán bộ" là một yêu cầu bức thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục